Mô hình ôn thi này đã được khoa học chứng minh về tính hiệu quả, xây dựng dựa trên ba yếu tố chính: chủ động gợi nhớ (active recall), lặp lại ngắt quãng (spaced repetition) và thi thử (testing). Giữa ba yếu tố này có một phần gọi là thời gian chết hiệu quả (productive downtime).
Chủ động gợi nhớ
Đây là phương pháp học giúp bạn chủ động vận dụng não, tự hồi tưởng bài giảng, kiến thức của mình bằng cách sử dụng thẻ ghi nhớ (flashcard), đặt câu hỏi thay vì chỉ tập trung vào câu trả lời, nhẩm thành lời, tưởng tượng, liên tưởng…
Khoa học đã chứng mình ba phương pháp: đọc lại, gạch chân và ghi chép không hiệu quả trong việc ôn thi, đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia vì nó không giúp não bộ nhớ được kiến thức chủ động, không đọng lại được kiến thức. Thay vào đó, hãy thử chủ động gợi nhớ để kiến thức trở thành của mình một cách tự nhiên nhất.
Lặp lại ngắt quãng
Phương pháp này dựa vào đường cong lãng quên. Khi mới bắt đầu học thì não bộ sẽ nhớ được rất nhiều kiến thức. Tuy nhiên qua thời gian, những ký ức này sẽ bị quên dần đi. Vì vậy, cần dựa vào điểm quên của bản thân để học gối đầu và ôn lại, từ đó có thể ghi nhớ được lâu hơn.
Đối với điểm quên của não bộ sẽ phụ thuộc vào khả năng ghi nhớ của từng người, không có mẫu số chung hoàn hảo cho tất cả mọi đối tượng. Cách xác định điểm quên là thử nhiều lần, với nhiều thông tin, bộ môn khác nhau để biết được khả năng ghi nhớ của riêng mình.
Thi thử
Thi thử là yếu bộ đặc biệt quan trọng đối với kỳ thi THPT quốc gia. Bởi lẽ, nếu kiến thức là phần phải có thì kỹ năng làm bài thi, kỹ năng phân bố thời gian, xử lý câu hỏi… là điều cần được trau dồi kỹ lưỡng.
Thời gian chết hiệu quả
Thời gian chết là thời gian được sử dụng để nghỉ ngơi, thư giãn. Tuy nhiên, để khoảng thời gian chết này có hiệu quả, thay vì nghỉ ngơi, giải trí một cách thuần túy, bạn có thể kết hợp, lồng ghép để ôn bài một cách nhẹ nhàng như chơi các trò chơi về ngoại ngữ, xem phim có yếu tố lịch sử hay xem các thí nghiệm hóa học, vật lý liên quan…
Áp dụng mô hình với từng môn học
Đối với những môn khoa học tự nhiên, cách áp dụng phương pháp chủ động gợi nhớ vào việc đặt câu hỏi thay vì tập trung vào đáp án hay học theo thẻ ghi nhớ, học dựa trên bài thi đã giải, đã sửa… vô cùng hiệu quả vì nó giúp người học không chỉ tăng thêm kiến thức mà còn cải thiện kỹ năng làm bài.
Ở những môn khoa học xã hội cần học thuộc nhiều thông tin, cách học tốt nhất là ghi nhớ và nhẩm thành lời thay vì đọc thầm trong đầu, đọc bằng mắt. Đừng quên sử dụng phương pháp gợi nhớ liên tưởng để nhớ lại kiến thức một cách sinh động. Lặp đi lặp lại cách làm này sẽ giúp cho quá trình làm bài thi suôn sẻ hơn vì kiến thức cũ sẽ được gợi lại như những kiến thức nền và từ đó phóng tác lên để tự viết bằng ý tưởng và suy nghĩ của riêng mình.
Trong các môn ngoại ngữ, quan trọng nhất ở kỳ thi THPT quốc gia là vốn từ vựng và ngữ pháp bởi vì nếu bạn có một vốn từ vựng phong phú và nền tảng ngữ pháp chắc chắn thì bạn có thể hiểu được những gì đề thì đang đề cập. Vì vậy đừng quên luyện nhiều đề thi để biết được những dạng bài, những câu hỏi thường gặp trong đề thi là gì, mình bị hổng kiến thức ở đâu để tìm cách “lấp” lại.
Hy vọng mô hình ôn tập khoa học nãy sẽ giúp những tháng ôn thi cuối cùng của các bạn học sinh trở nên hiệu quả và có ích. Đừng quên nghỉ ngơi đầy đủ để có thể tập trung tối đa trong thời gian học và làm bài thi hết sức mình nhé!
Nguồn: Báo Lao Động