Phòng bệnh theo mùa của Y học Cổ truyền

Biến đổi khí hậu mà biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đã tạo nên các hiện tượng thời tiết cực đoan hiện nay. Đây là thách thức rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người. Trong khi đó, Y học Cổ truyền cho rằng “Con người là một sinh vật trong tự nhiên, luôn luôn tiếp xúc với hoàn cảnh tự nhiên, cho nên không thể tách rời tự nhiên”. Vậy bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho người đọc những phương pháp phòng bệnh theo mùa của Y học Cổ truyền trước sự biến đổi khí hậu ngày nay.

Biến đổi khí hậu theo Y học Cổ truyền

Y học Cổ truyền có Học thuyết Ngũ vận – Lục khí hay gọi tắt là Vận Khí. Đây là phương pháp lý luận của cha ông ta dùng để giải thích sự biến hoá của khí hậu thời tiết trong tự nhiên và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với vạn vật trong vũ trụ, đặc biệt là đối với con người. Học thuyết này lấy Âm Dương Ngũ Hành làm hạt nhân, dựa trên cơ sở của quan niệm Chỉnh thể về thiên nhân tương ứng mà xây dựng nên.

Ngũ vận tức lấy kim, mộc, thủy, hỏa, thổ trong ngũ hành phối hợp với thiên can để tính tuế vận của mỗi năm (năm nào thuộc về vận nào). Lục khí là chỉ vào 6 thứ khí: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa, đem phối hợp với địa chi, để tính tuế khí của mỗi năm (năm nào thuộc về khí nào). Kết hợp ngũ vận và lục khí lại sẽ thành ra một công cụ lý luận đơn giản hóa dùng nó để thuyết minh mọi phương diện trong hoàn cảnh tự nhiên và mọi thứ quan hệ trong Y học.

Ngoài ra, Học thuyết Âm Dương có quan niệm về tiêu trưởng, đây là quy luật nói về sự vận động không ngừng của các sự vật và hiện tượng trong tự nhiên, khi Âm tiêu thì Dương trưởng và ngược lại. Quá trình vận động thường theo một chu kỳ nhất định như ngày và đêm, khí hậu bốn mùa trong năm. Quá trình chuyển từ mùa nóng sang mùa lạnh là quá trình Dương tiêu, Âm trưởng. Còn quá trình chuyển từ mùa lạnh sang mùa nóng là quá trình Âm tiêu, Dương trưởng. Sự vận động tiêu trưởng của Âm, Dương có tính chất giai đoạn, đến mức độ nào đó thì chúng chuyển hóa lẫn nhau. Khi sự biến động (hơn, kém) vượt quá mức bình thường thì có sự chuyển hoá Âm, Dương: “Cực Âm tất Dương, cực Dương tất Âm; Hàn cực sinh Nhiệt, Nhiệt cực sinh Hàn.

Theo các quan niệm trên, ở ngoài tự nhiên, khí hậu luôn luôn biến đổi theo các mùa trong năm. Khi khí hậu thay đổi thì các khí cũng thay đổi theo. Khi khí hậu trái thường các khí này xâm nhập vào cơ thể trở thành nguyên nhân gây ra bệnh thì gọi là lục tà hoặc lục dâm. Các khí ít khi đơn độc gây nên bệnh mà thường kết hợp với nhau gây bệnh.

Khí hậu biến đổi có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người dân theo Y học Cổ truyền?

Khí hậu biến đổi có tác động vô cùng lớn đến sức khoẻ con người, có cả tác động trực tiếp và tác động gián tiếp.

Tác động trực tiếp

Khi thời tiết thay đổi, ảnh hưởng dễ nhận thấy và phổ biến là vấn đề huyết áp, đau nhức xương khớp, hen suyễn, dị ứng, tiểu đường, tim mạch, viêm xoang, cảm lạnh và cúm…

Tác động gián tiếp

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khoẻ con người thông qua những nguồn gây bệnh, làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch như bệnh cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, tiêu chảy, dịch tả… Biến đổi khí hậu còn làm gia tăng các bệnh nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản.

Phòng bệnh theo mùa của Y học Cổ truyền

Để phòng bệnh theo mùa, Y học Cổ truyền có đưa ra hai nhóm biện pháp đó là phòng bệnh tích cực và phòng bệnh thụ động.

Về phòng bệnh tích cực:

  Cải tạo thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ đời sống

  Chủ động rèn luyện thân thể

  Thể dục, thể thao: thái cực quyền, khí công, dưỡng sinh…

  Xây dựng tinh thần lạc quan

  Cải tạo tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh…

Về phòng bệnh thụ động:

  Ăn tốt, mặc ấm, giữ gìn vệ sinh cá nhân, hoàn cảnh

  Điều độ về sinh hoạt, lao động…

Ngoài ra có cách phân chia khác, đó là dùng thuốc uống phòng bóp (tuỳ vào trường hợp bệnh) và xoa bóp, luyện tập thường xuyên.

Một số bệnh có thể phòng bằng phương pháp sử dụng thuốc như bệnh xương khớp, hen phế quản…

Đối với bệnh xương khớp: đây là bệnh do các yếu tố phong, thấp, nhiệt nhân vệ khí hư mà xâm nhập vào cơ thể, trong cơ thể người bệnh bẩm tố âm hư, huyết nhiệt (tình trạng dị ứng nhiễm trùng), can thận hư không nuôi dưỡng cân xương được tốt, làm vệ khí yếu là điều kiện để phong thấp nhiệt xâm phạm vào cơ thể gây bệnh tái phát. Trường hợp bệnh này có thể phòng phương pháp dùng thuốc: Bổ can thận, lương huyết, khu phong trừ thấp.

Đối với hen phế quản, sử dụng các bài thuốc nhằm nâng cao phế khí và kiện tráng cơ thể, khi cơ thể khỏe mạnh sẽ có sức chống chọi với thời khí và bệnh tật.

Còn lại các bệnh có thể phát sinh theo mùa thì có thể phòng bằng cách rèn luyện thân thể, giữ ấm và có chế độ ăn uống phù hợp đồng thời kết hợp xoa bóp thường xuyên. Đối vối ăn uống, nên ăn uống hợp vệ sinh; ăn nhiều các thực phẩm có màu xanh, vị chua như rau xanh, hoa quả…, tăng cường ăn tỏi để phòng chống các bệnh lây truyền do virus. Thêm vào đó, việc xoa bóp, rèn luyện sẽ giúp tự rèn luyện để cơ thể thích ứng dần dần với mọi hoàn cảnh thời tiết, lạnh, ẩm, thấp, gió, mưa…

Ví dụ, đối bệnh phổ biến nhất là cảm lạnh và cúm: Cảm lạnh thuộc chứng Thương phong còn Cúm thuộc chứng Thời hành cảm mạo. Theo Y học Cổ truyền, nguyên nhân cũng là do cơ thể suy yếu khiến phong hàn, phong nhiệt thừa cơ xâm nhập vào phế gây bệnh. Theo đó, phòng cảm lạnh tốt nhất là giữ ấm cơ thể khi thời tiết giao mùa hoặc chuyển lạnh. Không nên tắm đêm, tắm nước lạnh. Còn cảm cúm, trong mùa dịch thì nên cách ly người bệnh, tiệt trùng các vật dụng cá nhân, nên đeo khẩu trang khi giao tiếp với người xung quanh. Ngoài mùa dịch thì nên thường xuyên luyện tập thể dục, dưỡng sinh nâng cao sức khoẻ. Tăng cường dinh dưỡng và đủ chất vitamin trong bữa ăn là biện pháp phòng bệnh tích cực.

ảm lạnh và cảm cúm có thể gây biến chứng nguy hiểm, do vậy cần phòng bệnh tốt trong thời điểm giao mùa
Cảm lạnh và cảm cúm có thể gây biến chứng nguy hiểm, do vậy cần phòng bệnh tốt trong thời điểm giao mùa

Như vậy, có thể kết luận phương pháp rèn luyện sức khoẻ của con người trước hoàn cảnh tự nhiên và xã hội bằng câu nói bất hủ của Tuệ Tĩnh: “Bế tinh, dưỡng khí, tổn thần, thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”. Theo Y học Cổ truyền, hoàn cảnh tự nhiên và xã hội luôn luôn tồn tại tác động vào con người nhưng bệnh tật chỉ xảy ra do sự thay đổi nội tại của con người, do vậy cần rèn luyện sức khỏe thông qua xoa bóp, tập dưỡng sinh và có chế độ ăn uống theo mùa phù hợp để tăng cường sức khỏe, chống chọi lại bệnh tật.

Trên đây là cái nhìn tổng thể về phương pháp phòng bệnh theo mùa của Y học Cổ truyền, hy vọng bạn đọc có thêm kiến thức để có một sức khỏe tốt. Để cập nhật thêm các tin tức tuyển sinh và kiến thức Y học, mời bạn đọc theo dõi các kênh của Trường Cao đẳng Y Hà Nội.