Đạo đức nghề nghiệp là tiêu chuẩn cho mỗi người, luôn hướng tới và phấn đấu. Ngành Y là ngành đặc thù, cán bộ t tế mang sứ mệnh cứu người và thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bài viết sau đây sẽ phân tích rõ các tiêu chuẩn Y đức của người làm công tác Y tế.
Khái niệm Y đức
Y đức là những tiêu chuẩn, quy tắc của đời sống xã hội điều chỉnh hành vi xử sự và quan hệ của thầy thuốc đối với bệnh nhân cũng như đối với đồng nghiệp, nó xác định bổn phận, lương tâm, danh dự và hạnh phúc của người thầy thuốc
Đạo đức ngành Y hay “y đức” là một bộ phận của hệ thống đạo đức xã hội, nó không chỉ có vai trò quan trọng trong việc quyết định kết quả của dịch vụ y tế, mà còn góp phần tạo nên kiến trúc thượng tầng xã hội. Đối với sinh viên ngành Y, giỏi y thuật thôi chưa đủ, còn phải sáng về y đức. Song, sáng về y đức không phải có sẵn trong mỗi cán bộ y tế, mà phải trải qua quá trình rèn luyện và tự tu dưỡng bản thân như “ngọc càng mài càng sáng”.
Nguyên lý chính yếu của Y đức học là chủ nghĩa nhân đạo, mà biểu hiện của nó trong thực tế hàng ngày là nhân phẩm của người cán bộ y tế và sự thực hiện nghĩa vụ của họ đối với con người, là điều kiện thiết yếu để điều trị thành công cho người bệnh.
Các nguyên tắc cơ bản của Y đức
Y đức có bốn nguyên tắc cơ bản mà một người làm trong lĩnh vực Y tế cần tuân thủ. Đó là tôn trọng quyền tự chủ, lòng nhân ái trong nghề Y, không làm việc có hại và không ác ý, công bằng.
Tôn trọng quyền tự chủ
Quyền tự chủ của một người là quyền được đưa ra quyết định dựa trên sự thu nhận thông tin, hiểu biết kiến thức và năng lực tự chịu trách nhiệm của bản thân. Người làm trong lĩnh vực y tế cần biết giới hạn những can thiệp của mình đến những quyết định của bệnh nhân và không được can thiệp quá sâu vào những lựa chọn của bệnh nhân. Người thầy thuốc cần đứng ở vị trí trung gian khi cung cấp thông tin chuyên môn về bất kỳ một thăm dò hay trị liệu nào.
Lòng nhân ái
Lòng nhân ái không đơn giản là làm việc theo nhiệm vụ hay theo lòng tốt của mình. Lòng nhân ái là người thầy thuốc không chỉ làm việc với danh dự và niềm tự hào của bản thân mà vì một xã hội tốt đẹp, vì hạnh phúc của tất cả mọi người. Các cán bộ Y tế cần luôn đồng cảm với nỗi đau khổ của bệnh nhân, coi bệnh nhân như người thân của mình, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, luôn sẵn sàng giúp đỡ bệnh nhân trong mọi tình huống…
Không làm việc có hại, không ác ý
Cán bộ Y tế luôn tích cực cập nhật kiến thức và kỹ năng để đảm bảo chất lượng dịch vụ đang cung cấp. Phải biết được rõ ràng về lợi ích và nguy cơ gây hại tai biến trước khi cung cấp bất kỳ một thăm dò, trị liệu nào. Không được làm bất kỳ điều gì có hại tới cuộc sống, sức khỏe, giá trị cá nhân, nhân phẩm…
Công bằng
Mọi người trong xã hội đều có quyền được chăm sóc sức khỏe dù là người giàu hay người nghèo. Mọi người đều được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi cần thiết và theo nhu cầu của bản thân. Cán bộ Y tế có thể ưu tiên trẻ nhỏ, người già và người đang cần cấp cứu, người tàn tật, phụ nữ có thai. Công bằng trong chăm sóc y khoa còn quy định nhân viên y tế không được phân được đối xử, kỳ thị với bất kỳ bệnh nhân nào…
Bốn nguyên lý cơ bản của Y đức chi phối toàn bộ các quy định của đạo đức trong thực hành và nghiên cứu y học. Bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng cần luôn cập nhật những kiến thức, rèn luyện nâng cao tay nghề thực hành và tu dưỡng đạo đức để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi người.
Các tiêu chuẩn Y đức
Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác Y tế được quy định tại Quyết định số 2088/BYT-QĐ năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trong đó nêu rõ 12 tiêu chuẩn Y đức tóm tắt như sau:
– Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ Y tế phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác. Phải có lương tâm, có trách nghiệm, không ngừng học tập, sẵn sàng vượt qua khó khăn, nâng cao phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc…
– Tôn trọng pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn…
– Tôn trọng quyền được khám chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí mật riêng tư, khi thăm khám, chăm sóc cần bảo đảm kín đáo và lịch sự. Không phân biệt đối xử…
– Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình; trang phục phải chỉnh tề, sạch sẽ để tạo niềm tin cho người bệnh.
– Khi cấp cứu phải khẩn trương chẩn đoán, xử trí kịp thời không được đun đẩy người bệnh.
– Kê đơn phải phù hợp với chẩn đoán và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn; không vì lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc kém phẩm chất, thuốc không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh.
– Không được rời bỏ vị trí trong khi làm nhiệm vụ, theo dõi và xử trí kịp thời các diễn biến của người bệnh.
– Khi người bệnh ra viện phải dặn dò chu đáo, hướng dẫn họ tiếp tục điều trị, tự chăm sóc và giữ gìn sức khoẻ.
– Khi người bệnh tử vong, phải thông cảm sâu sắc, chia buồn và hướng dẫn, giúp đỡ gia đình họ làm các thủ tục cần thiết.
– Thật thà, đoàn kết, tôn trọng đồng nghiệp, kính trọng các bậc thầy, sẵn sàng truyền thụ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau.
– Khi bản thân có thiếu sót, phải tự giác nhận trách nhiệm về mình, không đổ lỗi cho đồng nghiệp, cho tuyến trước.
– Hăng hái tham gia công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cứu chữa người bị tai nạn, ốm đau tại cộng đồng; gương mẫu thực hiện nếp sống vệ sinh, giữ gìn môi trường trong sạch.
Y đức là tiêu chuẩn mà tất cả các cán bộ Y tế cần phải phấn đấu và tích cực thực hiện. Tuy nhiên Y đức không phải ngày một ngày hai có thể đạt tới mà cần phải rèn luyện tích cực.
Đối với sinh viên ngành Y – thế hệ tương lai của đất nước cần phải nỗ lực học tập, không ngừng phấn đấu, trau dồi và rèn luyện bản thân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để lấy đó làm nền móng khi bước vào nghề. Sinh viên cũng phải luôn ghi nhớ những tiêu chuẩn đã được quy định như nêu trên.