Y học Cổ truyền phát huy thế mạnh trước xu thế toàn cầu hoá

Toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ lan rộng đến tất cả các lĩnh vực, ngành Y tế cũng không loại trừ khỏi xu thế này. Trong bối cảnh đó, Y học Cổ truyền càng phát huy thế mạnh của mình vừa hội nhập vừa giữ được bản sắc riêng. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ cách Y học Cổ Truyền phát huy thế mạnh trước xu thế chung của thế giới.

Nền Y học Cổ truyền trong xu thế toàn cầu hoá

Toàn cầu hoá có thể hiểu là một hiện tượng gắn liền với sự gia tăng về số lượng cũng như cường độ của các cơ chế, tiến trình và hoạt động nhằm thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới cũng như sự hội nhập ở cấp độ toàn cầu. Toàn cầu hoá không phải là hiện tượng mới mẻ, mà trái lại, nó đã có mầm mống xuất hiện ở thế kỷ XV và diễn ra mạnh mẽ hơn vào cuối TK XIX.

Toàn cầu hoá tác động đến các dịch vụ y tế ở Việt Nam thể hiện ở 4 loại hình: kinh doanh dịch vụ y tế xuyên biên giới, tiêu thụ dịch vụ y tế ở ngoài nước, sự hiện diện của dịch vụ và thương mại nước ngoài ở trong nước và sự chuyển dịch nhân lực y tế.

Bối cảnh đó yêu cầu cần thiết phải hiện đại hoá Y học Cổ truyền để bắt kịp xu thế cũng như không làm mất đi bản sắc dân tộc.

Hiện đại hoá Y học Cổ truyền là ứng dụng những thành tựu về lý luận lẫn những phương pháp nghiên cứu tiên tiến nhất của khoa học hiện đại  vào Y học Cổ truyền. Mục đích của quá trình này là nhằm nâng cao tính khoa học, hiện đại của Y học Cổ truyền nhưng không làm mất đi những đặc điểm riêng của nó trong bối cảnh toàn cầu hoá.

Mới đây, Hội nghị Y học Cổ truyền toàn cầu lần thứ nhất đã được đồng tổ chức bởi WHO và chính phủ Ấn Độ vào tháng 08 năm 2023 đã càng cho thấy vai trò của Y học Cổ truyền.

Hội nghị toàn cầu đầu tiên về y học cổ truyền
Hội nghị toàn cầu đầu tiên về y học cổ truyền

Thế mạnh của Y học Cổ truyền trước xu thế toàn cầu hoá

Mỗi quốc gia có thế mạnh về Y học Cổ truyền riêng. Ở Việt Nam, Y học Cổ truyền có các thế mạnh như:

Y học Cổ truyền có cái nhìn toàn diện về tình trạng của người bệnh

Trong Y học Cổ truyền Việt Nam, việc chẩn đoán bệnh tình là sự kết hợp giữa kinh nghiệm, tri thức truyền thống và sự nhạy bén của giác quan. Sự kết hợp giữa 5 phương pháp chẩn đoán (Vọng chẩn, Văn chẩn, Vấn chẩn, Thiết chẩn, Xem mạch) sẽ giúp các bác sĩ Y học Cổ truyền có cái nhìn toàn diện và sâu rộng về tình trạng sức khoẻ của người bệnh.

Đây là thế mạnh trong vận dụng sáng tạo triết học cổ phương Đông vào chẩn trị.Vì thế, các Y Bác sĩ luôn có cách nhìn người bệnh toàn diện, từ đó có sự điều chỉnh, nâng cao sức đề kháng của cơ thể nhằm khắc phục bệnh tật. Điều này rất phù hợp với yêu cầu phòng và điều trị nhiều bệnh mãn tính hiện nay.

Sự lành tính và an toàn của Y học Cổ truyền

Những phương pháp và nguyên liệu được sử dụng trong điều trị cho bệnh nhân có tính an toàn cao. Bệnh nhân có thể dùng thuốc uống, thuốc bôi ngoài da, trị liệu… Các loại thuốc này được chế biến từ các nguyên liệu tự nhiên như thân cây, rễ cây, lá cây, hoa… do đó, thường không có độc tính và để lại tác dụng phụ cho cơ thể người bệnh. Không những thế quá trình chế biến thuốc thường rất thủ công và truyền thống, chủ yếu dựa vào tự nhiên.

Việt Nam có một nguồn tài nguyên và hệ động thực vật phong phú đa dạng trải dài khắp cả nước. Việt Nam là đánh giá là quốc gia giàu có về dược liệu của khu vực và thế giới khi sở hơn hơn 5000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc trong đó có nhiều loài dược liệu quý hiếm đặc hữu như sâm Ngọc Linh, ba kích, lan thạch học, thông đỏ… Với sự dồi dào về dược liệu như vậy sẽ giúp Y học Cổ truyền Việt Nam phát huy nguồn dược liệu phong phú với hàng nghìn bài thuốc dân gian mang bản sắc riêng của từng dân tộc.

Việt Nam có hệ sinh thái rừng phong phú và đa dạng
Việt Nam có hệ sinh thái rừng phong phú và đa dạng

Điều trị bằng Y học Cổ truyền mang lại hiệu quả cao

Ngày nay Y học Cổ truyền được kết hợp chặt chẽ với Y học hiện đại vào khám chữa bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị. Khi bệnh nhân đến khám sẽ được các bác sĩ chẩn đoán bằng các phương pháp của Y học hiện đại, sau đó điều trị bằng phương pháp kết hợp giữa Đông Y và Tây Y. Đó là sự kết hợp giữa phương pháp sử dụng thuốc và không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, ngâm thuốc, đắp thuốc) để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh lý đồng thời phục hồi sức khoẻ bệnh nhân… Thực tế cho thấy khi kết hợp như vậy đã mang đến rất nhiều kết quả tích cực.

Xem thêm: Tầm quan trọng của việc kết hợp Y học Cổ truyền với Y học hiện đại tại đây

Không những thế, một trong những nguyên tắc điều trị trong Y học Cổ truyền là không chỉ dừng lại ở việc điều trị bệnh lý mà còn phải chú trọng đến việc tăng cường sức khoẻ và nâng cao chức năng của tạng phủ. Việc này sẽ góp phần nâng cao khả năng phục hồi và miễn dịch cho bệnh nhân.

Với các ưu điểm trên, không chỉ châu Á mà còn nhiều nước châu Âu, châu Mỹ đã bắt đầu xu hướng “trở về với tự nhiên” qua việc sử dụng ngày càng nhiều các loại thuốc từ thiên nhiên và các phương pháp điều trị của Y học Cổ truyền. 

Cần làm gì để phát huy hơn nữa thế mạnh của Y học Cổ truyền?

Đầu tiên, để tăng cường hơn nữa những ưu điểm của Y học Cổ truyền và đưa Y học Cổ truyền Việt Nam vươn rộng ra thế giới, thì cần thiết phải hiện đại hoá Y học Cổ truyền bắt đầu từ trong nhận thức.

Thực tế, dưới góc độ người dân, Đông Y chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống, một phần vì thuốc dễ kiếm, giá thành rẻ. Tuy nhiên, sau khi đất nước mở cửa với sự hội nhập và phát triển mạnh mẽ của Tây y, người dân lại nhận thức rằng Tây y chữa trị tốt hơn, nhanh hơn. Do vậy, cần nâng cao hơn nhận thức của người dân về Đông Y và sự kết hợp Đông Y- Tây Y trong điều trị bệnh.

Dưới góc độ các cán bộ Y tế, cần nâng cao nhận thức cho tất cả cán bộ Y tế từ Trung ương đến địa phương, để có cái nhìn đúng đắn hơn về Đông Y và sự cần thiết của Đông Y trong khám chữa bệnh.

Tiếp theo, trong khám bệnh cần phải kết hợp chặt chẽ, đồng nhất hơn nữa Y học Cổ truyền và Y học hiện đại. Trong đó kết hợp sử dụng Tứ chẩn với sử dụng trang thiết bị của Y học hiện đại để khám bệnh, sử dụng các kết quả cận lâm sàng như xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh và các phương pháp khám bệnh khác để chẩn đoán bệnh.

Trong chữa bệnh cũng cần kết hợp cả Đông Y và Tây Y. Sử dụng các phương pháp dùng thuốc bao gồm: ngâm thuốc, đặt thuốc, xông hơi thuốc, khí dụng, bó thuốc, chườm thuốc, thuốc cổ truyền dùng ngoài da, thuốc dùng đường uống, thuốc dùng đường tiêm và các đường dùng phù hợp khác. Sử dụng các phương pháp không dùng thuốc bao gồm: Xoa bóp, bấm huyệt, dưỡng sinh, khí công, các phương pháp châm, cứu, giác hút, cấy chỉ, chích lể, cạo gió và các phương pháp khác theo quy định danh mục chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành y học cổ truyền của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tuy nhiên cũng phải kết hợp với sử dụng các thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, các trang thiết bị, các hoạt chất đã được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành tại Việt Nam và các phương pháp, chuyên môn kỹ thuật của y học hiện đại kết hợp với các phương pháp, chuyên môn kỹ thuật của y học cổ truyền để điều trị theo tình trạng bệnh lý, giai đoạn bệnh của người bệnh, theo dõi quá trình điều trị và đánh giá kết quả điều trị.

Ngoài ra cần phải có phương pháp đảm bảo sự thống nhất trong các cơ sở Y tế, từ các bệnh viện đa khoa Y, Dược Cổ truyền đến Bệnh viện hiện đại và các cơ sở khám chữa bệnh khác.

Bên cạnh đó, Y học Cổ truyền cũng có những nhược điểm như: tốn thời gian, khó bảo quản thuốc, cách dùng phức tạp… Cụ thể:

Thuốc Y học Cổ truyền khó bảo quản hơn thuốc Tây. Do đặc điểm khí hậu nước ta là nóng ẩm nên việc bảo bảo dược liệu rất khó, nếu không bảo quản tốt sẽ khiến cho chất lượng của dược liệu bị giảm đi. Hay cách dùng thuốc Đông Y cũng phức tạp hơn bởi nó yêu cầu thời gian sắc thuốc đúng theo quy định. Nếu người bệnh không sắc đúng hướng dẫn về mặt kỹ thuật và thời gian thì có thể làm giảm hiệu quả điều trị. Không những thế, các loại thuốc uống thường sẽ có mùi nặng và vị khá đắng, khá khó uống với người chưa quen và các bạn trẻ.

Do vậy việc cần làm là hiện đại hóa thuốc Y học Cổ truyền, điều này ngày càng trở nên cần thiết để đáp ứng nhu cầu nội địa và thậm chí là xuất khẩu. Mặc dù các loại thuốc đã được đầu tư cải tiến, đạt một số thành tựu đặc biệt là sự ra đời của các viên nang, tễ và cốm vị thuốc tạo sự thuận lợi mà vẫn đảm bảo được chất lượng… Tuy nhiên, thuốc Đông Y vẫn còn rườm rà, đa phần các thuốc vẫn phải thực hiện việc sao, sắc, đun nấu. Vì vậy, thuốc Đông Y cần được đẩy mạnh đầu tư hơn nữa và áp dụng các công nghệ mới vào bào chế.

Kết luận

Việc không chỉ châu Á mà nhiều nước châu Âu thậm chí cả Mỹ đã có những xu hướng sử dụng ngày càng nhiều loại thuốc có nguồn gốc tự nhiên và các phương pháp Y học Cổ truyền để chữa trị và nâng cao sức khoẻ đã cho thấy rõ được sự phát triển mạnh mẽ của Y học Cổ truyền trước sự hội nhập chung của thế giới, cho thấy Y học Cổ truyền không hề lu mờ hay kém cạnh Y học hiện đại.

Y học Cổ truyền với những thế mạnh lớn đã góp phần không nhỏ cùng Y học hiện đại đẩy lùi nhiều bệnh tật, cứu sống hàng nghìn người bệnh. Tuy nhiên, Y học Cổ truyền cũng cần được hiện đại hoá để đáp ứng yêu cầu của người bệnh và sự vận động của thế giới.

Để theo dõi thêm những kiến thức ngành Y học Cổ truyền hệ Cao đẳng mời bạn đọc theo dõi các trang thông tin dưới đây của trường Cao đẳng Y Hà Nội.

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y HÀ NỘI

Địa chỉ: Số 40 ngõ 20 đường Mỹ Đình, Phường Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội

Website: caodangyhanoi.org

Facebook: https://www.facebook.com/TuyensinhCaodangYHaNoi/

Hotline: 0966659045