Trị liệu bằng Y học Cổ truyền ngày càng thu hút khách quốc tế

Hậu đại dịch COVID-19, con người ngày càng quan tâm đến sức khoẻ và đời sống tinh thần, vì thế hình thái du lịch trị liệu hay du lịch y tế ngày càng phát triển mạnh. Trong đó trị liệu bằng Y học Cổ truyền được du khách ưa chuộng bởi sự lành tính và không để lại tác dụng phụ… Bài viết dưới đây sẽ cùng các bạn tìm hiểu về thực trạng du khách quốc tế đến Việt Nam sử dụng trị liệu bằng Y học Cổ truyền cũng như tiềm năng phát triển du lịch trị liệu của Việt Nam.

Du lịch trị liệu hay Du lịch Y tế là gì?

Định nghĩa du lịch trị liệu

Du lịch trị liệu là các ngành cho phép người tiêu dùng kết hợp các hoạt động chăm sóc sức khỏe và lối sống vào cuộc sống hàng ngày của họ bao gồm 10 lĩnh vực đa dạng. Khai thác các khía cạnh còn bỏ ngỏ với sự kết hợp các ngành chăm sóc sức khỏe, vận dụng các bài thuốc Nam, những kinh nghiệm dân gian cổ xưa của người Việt góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch trị liệu tại Việt Nam.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) thì du lịch trị liệu bao gồm những nguồn lực và dịch vụ y tế (cả âm lấn và không xâm lấn) như: chẩn đoán, điều trị, chữa trị, phục hồi và phòng ngừa.

Hiện nay, ngành công nghiệp du lịch y tế được chia thành 3 loại hình cụ thể như: du lịch y tế nội địa, du lịch y tế quốc tế, du lịch quốc tế Diaspora.

Một vài dịch vụ trong du lịch trị liệu như thuỷ/nhiệt trị liệu, trị liệu bằng nước biển, trị liệu dinh dưỡng… Cụ thể: 

Thuỷ/ Nhiệt trị liệu, đây là loại hình gần giống như spa nhưng bao gồm thêm những dịch vụ và tư vấn y tế chuyên nghiệp.

Trị liệu bằng nước biển (Thalassotherapy) là liệu pháp sử dụng nguyên liệu tự nhiên từ đại dương như khí hậu, nước biển, rong & tảo biển, bùn & cát…

Trị liệu dinh dưỡng là phương pháp tác động đến cân nặng thông qua chế độ ăn kiêng, thải độc, chỉ dẫn ăn uống lành mạnh để xử lý các trường hợp thừa & thiếu cân trầm trọng.

Hiện nay, du lịch trị liệu đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo là một trong sáu xu hướng du lịch sẽ phát triển mạnh trong thế kỷ XXI.

Sơ lược về du lịch trị liệu

Xuất phát từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, du lịch y tế xuất hiện với các loại hình dịch vụ spa, nơi nghỉ dưỡng, suối khoáng nóng, phòng tắm. Nơi được coi là thiêng liêng, kết nối với các vị thần của họ.

Đến khoảng thế kỷ XIX, các tín ngưỡng tôn giáo về phòng tắm cũng giảm dần, thay thế vào đó là tắm suối nước nóng dành cho thủy trị liệu chữa bệnh, đặc biệt là thấp khớp, bệnh về thần kinh.

Bắt đầu từ thế kỷ XX, du lịch y tế bắt đầu được biết đến rộng rãi. Bắt đầu ở Brazil, Jamaica hoặc Cuba, dần dần mở rộng từ Bắc Mỹ đến Châu Âu và Châu Á.

Tại châu Á, du lịch sức khỏe đã được quan tâm và phát triển từ lâu. Ngay từ năm 2009, tại hàn Quốc đã phát triển dịch vụ du lịch là trung gian, trực tiếp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho du khách quốc tế được hợp pháp hóa, đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của chuỗi cung ứng các dịch vụ liên quan đến sức khoẻ, làm đẹp tại Hàn Quốc.

Ngoài ra, du lịch trị liệu ở Nhật Bản cũng hình thành từ lâu với các chế độ ăn lành mạnh, chữa lành về tâm trí, dược liệu… nổi bật là những loại hình như suối nước nóng, massage, tắm bùn, xoa bóp, bấm huyệt,…

Thực trạng du khách đến Việt Nam sử dụng trị liệu bằng Y học Cổ truyền

Ở Việt Nam, khái niệm về sức khỏe trong du lịch dần được mở rộng hơn từ cuối năm 2021, khi bệnh tật vật lý không còn là mối quan tâm duy nhất của con người.

Theo thống kê của Cục du lịch quốc gia Việt Nam, trước đại dịch COVID-19, lượng khách du lịch đến khám chữa bệnh tại nước ta tăng dần qua các năm, trung bình đạt doanh thu khoảng 2 tỷ USD/ năm, trong đó TPHCM chiếm khoảng 40% về lượng khách cũng như doanh thu.

Theo báo Tuổi trẻ, trong 6 tháng đầu năm 2023, Viện Y dược học dân tộc TP HCM đã đóng hàng trăm du khách quốc tế đến trải nghiệm các sản phẩm du lịch y tế, điều trị theo phương pháp cổ truyền. Ngoài ra viện còn đào tạo chuyên sâu, xoa bóp bấm huyệt cho một lớp học viên quốc tịch Pháp, hấp dẫn nhiều du khách. Y học Cổ truyền được du khách nước ngoài lựa chọn phổ biến bởi sự lành tính, ít gây tác dụng phụ của thảo dược, thảo mộc.

Các bác sĩ Viện Y dược học dân tộc TP HCM đang điều trị cho người nước ngoài)
Các bác sĩ Viện Y dược học dân tộc TP HCM đang điều trị cho người nước ngoài

Ngoài ra, Bảo tàng Y học Cổ truyền Việt Nam nằm trên con phố nhỏ Quận 10 thành phố HCM, là nơi lưu trữ hàng ngàn hiện vật của ngành Y học Cổ truyền Việt Nam và là điểm dừng chân yêu thích của nhiều du khách muốn tìm hiểu về ngành này.

Ngày 21/07/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có Quyết định 2951/QĐ-BYT năm 2023 Phê duyệt Đề án Phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2030.

Trong đó quy định: xây dựng năm dòng cung ứng dịch vụ, sản phẩm Y dược Cổ truyền phục vụ khách du lịch, đó là du lịch chăm sóc sức khỏe bằng YDCT, du lịch thẩm mỹ bằng YDCT, du lịch dược liệu và thuốc cổ truyền, du lịch khám phá YDCT và văn hoá bản địa, du lịch học thuật YDCT; xây dựng mô hình nghỉ dưỡng kết hợp dịch vụ YHCT; xây dựng đội ngũ chất lượng cao ứng dụng YHCT, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hình dịch vụ, sản phẩm YDCT.

Theo định hướng như vậy, sinh viên học Y học Cổ truyền có thêm lựa chọn nghề nghiệp đa dạng hơn với mức thu nhập cao hơn.

Tuy nhiên, mô hình kinh doanh du lịch trị liệu tại Việt Nam còn ít sản phẩm trong lại thiếu tính đặc sắc, chưa đủ sức hấp dẫn du khách. Loại hình du lịch này vẫn chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức do những nhầm lẫn với các loại hình khác như loại hình du lịch nghỉ dưỡng hay du lịch tâm linh. Hơn nữa, mô hình kinh doanh mới chỉ dừng lại ở cách dịch vụ nhỏ lẻ.

Tiềm năng phát triển Y dược Cổ truyền với du lịch

Trước hết, đội ngũ các bộ Y tế trình độ chuyên môn tốt, được đào tạo cơ bản. Việt Nam là nước có nền Y học Cổ truyền lâu đời hàng nghìn năm, được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Hiện nay các cơ sở đào tạo Y học Cổ truyền từ hệ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học ngày càng tăng. Từ đó, đã đào tạo ra nhiều lớp sinh viên, tạo tiếp xúc sớm với phương thức khám chữa bệnh Đông Y, góp phần vào công cuộc hiện đại hoá Y học Cổ truyền dân tộc.

Tiếp theo, cơ sở vật chất, hạ tầng của bệnh viện, cơ sở y tế trong cả nước ngày càng được mở rộng, nâng cấp, đầu tư với nhiều trang thiết bị hiện đại. Nhiều bệnh viện tư nhân và khoa khám, chữa bệnh theo yêu cầu của bệnh viện công lập cũng được đầu tư đồng bộ, thiết kế hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại cả nước đã có một số bệnh viện đạt chứng nhận chất lượng của JCI, Hoa Kỳ (Joint Commission International) như Bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, Bệnh viện Đà Nẵng… Với chủ trương, quan điểm, kết hợp chặt chẽ Y học Cổ truyền và Y học Hiện đại thì những cơ sở vật chất này sẽ tạo nhiều điểm cộng lớn trong việc thu hút du khách quốc tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Thêm vào đó, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe với hệ thống địa hình đa dạng, có cả đồi núi, đồng bằng, đặc biệt có vị trí chiến lược thuận lợi về biển – đảo, nhiều suối khoáng nóng, bùn nóng trải dài trên cả nước, nhiều khu vực có khí hậu mát mẻ, ôn hòa. Đây là những tài nguyên quý giá, là tiềm năng để phát triển loại hình du lịch trị liệu bằng Y học Cổ truyền góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch cao cấp cho du khách trong nước và quốc tế, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch.

Người nước ngoài được hướng dẫn tập võ trên du thuyền ở Hạ Long
Người nước ngoài được hướng dẫn tập võ trên du thuyền ở Hạ Long

Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch trị liệu tại Việt Nam hiện đang nghèo nàn và chưa hấp dẫn số lượng lớn du khách. Vì vậy, cần đầu tư nhiều hơn vào các sản phẩm này để nắm bắt xu hướng phát triển du lịch mới trên thế giới và kéo du khách quốc tế trở lại.

Chính vì vậy, Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đưa các giải pháp mở rộng loại hình dịch vụ này. Cần đưa ra các gói sản phẩm du lịch trị liệu bằng Y học Cổ truyền phù hợp với thị trường quốc tế, thực hiện các video clip giới thiệu, quảng bá về sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố. Đồng thời, khảo sát cũng như học tập kinh nghiệm phát triển các mô hình của Thái Lan… để phát huy thế mạnh của Y học Cổ truyền và đem các sản phẩm du lịch trị liệu đến gần hơn với cả du khách nội địa và du khách quốc tế.

Kết luận: 

Các nước đã phát triển thế mạnh của mình từ lâu và đã định vị được thương hiệu trên thế giới. Chẳng hạn, nhắc đến làm đẹp, người ta nghĩ ngay đến việc sang Hàn Quốc, nhắc đến xoa bóp người ta nghĩ đến Thái Lan còn muốn mua sản phẩm và du lịch thắng cảnh người ta nghĩ đến Trung Quốc. Vậy Việt Nam có gì để người ta nhắc đến là vấn đề cần định hướng và đầu tư phát triển?

Cái làm nên thương hiệu cho Việt Nam chính là những phương pháp điều trị Y học Cổ truyền xuất phát từ Việt Nam như phương pháp thở bốn, phương pháp tác động cột sống, phương pháp châm cứu theo ngũ hành luận trị… đây đều là những phương pháp được đánh giá rất cao nhưng lại chưa được quảng bá rộng rãi đến du khách quốc tế. Vì vậy, cần có những giải pháp để thu hút hơn nữa khách du lịch đến Việt Nam sử dụng trị liệu bằng Y học Cổ truyền.