Đây được coi là một trong những môn khá khó trong chương trình đào tạo Y khoa. Vậy làm sao để học tốt được bộ môn này, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây
Môn giải phẫu học
Giải phẫu học người là ngành khoa học nghiên cứu cấu trúc cơ thể người. Tuỳ thuộc vào phương tiện quan sát, giải phẫu học được chia thành hai phân môn: giải phẫu đại thể nghiên cứu các cấu trúc có thể quan sát bằng mắt thường và giải phẫu vi thể nghiên cứu các cấu trúc nhỏ chỉ có thể nhìn thấy qua kính hiển vi.
Ngoài phẫu tính, ta còn có thể quan sát được các cấu trúc của có thể (nhất là hệ xương – khớp, các khoang cơ thể và các cơ quan khác) trên phim chụp tia X. Cách nghiên cứu các cấu trúc cơ thể dựa trên kỹ thuật chụp tia X được gọi là giải phẫu X-quang. Giải phẫu X-quang là một phần quan trọng của giải phẫu đại thể và là cơ sở giải phẫu của chuyên ngành X-quang. Chỉ khi nào hiểu được sự bình thường của các cấu trúc trên phim chụp X-quang ta mới có thể nhận ra được các biến đổi của chúng trên phim chụp đối tượng mắc bệnh hoặc bị chấn thương. Ngày nay, đã có thêm nhiều kỹ thuật làm hiện rõ hình ảnh của các cấu trúc cơ thể (được gọi chung là chẩn đoán hình ảnh) như kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính, siêu âm, chụp cộng hưởng từ…
Trong Y học, giải phẫu đóng vai trò của một môn học cơ sở. Kiến thức giải phẫu học là kiến thức nền tảng, giúp ta hiểu được hoạt động của cơ thể người (sinh lý học). Giải phẫu học cũng là nền tảng kiến thức căn bản của tất cả các chuyên ngành lâm sàng.
Cách học tốt môn giải phẫu
Đọc tài liệu trước khi đến lớp học
– Phương pháp đọc:
Đọc kỹ từng phần của tài liệu và đánh dấu các nội dung trọng tâm
Vẽ hình và ghi chú các phần của cơ quan, bộ phận vừa đọc trong tài liệu
Ghi chú các nội dung không thể thể hiện được bằng hình vẽ ở bên cạnh hình vừa vẽ (ví dụ chức năng, mối liên quan…)
Tham khảo thêm hình vẽ hoặc video trên mạng Internet về cơ quan mình vừa đọc tài liệu
Soạn câu hỏi về những vấn đề chưa hiểu để hỏi thầy cô trong buổi học
– Tác dụng: khi đọc tài liệu trước khi đến lớp, sinh viên có thể hiểu rõ hơn cấu trúc của bài học, từ đó giúp sinh viên nắm được trọng tâm bài học và tập trung vào ý chính của bài một cách hiệu quả. Đồng thời, việc đọc tài liệu trước, sinh viên sẽ có thể đặt được câu hỏi và nhận được câu trả lời cho những gì các bạn đọc nhiều lần nhưng vẫn chưa hiểu khi ở nhà. Hơn nữa, việc này giúp các bạn gia tăng hiệu quả khi làm bài nhóm, tự tin tham gia các hoạt động chung trên lớp.
Nghe giảng và ghi chép
– Phương pháp:
Chú ý nghe thầy cô hướng dẫn phương pháp học, chú ý nghe thầy cô giảng về nội dung
Chú ý khi thầy cô minh hoạ trên hình ảnh, hình vẽ, video…
Cố gắng ghi chú lại các hình vẽ thầy cô minh hoạ
Ghi chép những vấn đề thầy cô mở rộng thêm mà không có trong tài liệu
Chủ động hỏi thầy cô những chỗ mình chưa hiểu rõ
– Tác dụng: Việc chú ý nghe các thầy cô giảng bài giúp sinh viên tiếp thu kiến thức quý báu từ các thầy cô nhiều năm kinh nghiệm, việc nghe giảng cũng sẽ giúp các bạn sinh viên tiếp thu kiến thức một cách nhanh chóng hơn. Thêm vào đó, việc ghi chép lại sẽ làm tăng khả năng tập trung, cải thiện khả năng ghi nhớ, phát huy sự sáng tạo… của sinh viên.
Ôn tập sau buổi học lý thuyết
– Phương pháp học
Ôn lại bài ngay sau buổi học
Vẽ lại hình và ghi chú các nội dung không thể hiện được bằng hình vẽ sang bên cạnh
Bỏ túi hình vẽ để hàng ngày bỏ ra xem lại nhiều lần sẽ nhớ rất lâu
– Tác dụng: ôn lại nội dung bài học sau mỗi buổi học sẽ giúp các bạn sinh viên học đến đâu chắc đến đây, không bị quên đi những kiến thức đã nạp trong ngày.
Thực hành trên mô hình
– Phương pháp học:
Xem lại bài và hình vẽ trước buổi thực hành
Đối chiếu hình vẽ với mô hình
Trong nhóm học tập tự lượng giá lẫn nhau trên mô hình
Luôn tích cực trả lời câu hỏi lượng giá của thầy cô
– Tác dụng: Sinh viên để học tốt môn học này không chỉ cần nắm vững kiến thức mà cần phải có sự thực hành trên mô hình. Các mô hình này giống như con người thật, do vậy, việc thực hành sẽ giúp các bạn hình dung và hiểu cụ thể các bộ phận.
Ôn tập sau buổi thực hành
– Phương pháp học:
Xem lại hình vẽ và ghi chú
Liên hệ bộ phận vừa học trên cơ thể mình (ví dụ: tim nằm ở đâu, mỏm tim nằm ở đâu, đáy tim nằm ở đâu, liên quan đến những bộ phận nào…)
– Tác dụng: Sau khi kết thúc buổi thực hành, sinh viên cần xem lại hôm nay đã thực hành những gì để ghi nhớ, đây là những kiến thức vô cùng cần thiết khi sinh viên ra trường và hành nghề.
Ôn tập để chuẩn bị thi kết thúc học phần
– Phương pháp học:
Soạn đề cương ôn tập (Chú ý vẽ hình, ghi chú)
Chăm chỉ ôn luyện đề cương nhiều lần, nhớ lên kế hoạch cụ thể và tránh học dồn học tủ
– Tác dụng: việc ôn tập trước khi thi giúp các bạn sinh viên hệ thống một lần nữa kiến thức, nhắc lại những kiến thức có thể quên để có thể tự tin nắm vững kiến thức trước khi bước vào phòng thi và đạt được kết quả cao.
Trên đây là một số cách học môn Giải phẫu, mong rằng với phương pháp học này, sinh viên Y sĩ đa khoa sẽ đạt được kết quả học tập tốt.