Y khoa là ngành học có kiến thức rất rộng lớn, vì vậy để có thể mở rộng tầm nhìn về Y học, sinh viên nên dành nhiều thời gian đọc sách. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho các bạn sinh viên một số những cuốn sách hay nên đọc ít nhất một lần.
Những cuốn sách sinh viên Y sĩ đa khoa tuyệt đối không được bỏ lỡ – phần 1
Lịch sử Y học (A history of medicine) của tác giả Lois N.Magner, dịch bởi Võ Văn Lượng
Đây là cuốn sách viết về sự phát triển của ngành nghề chăm sóc sức khỏe con người qua các thời đại và ở các nền văn hoá khác nhau. Cuốn sách sẽ giúp người đọc có cái nhìn xuyên suốt chiều dài của nền y học thế giới.
Cuốn sách giới thiệu về bệnh lý học và y học cổ sinh, y học thời các nền văn minh cổ đại: vùng Lưỡng Hà và Ai Cập, các truyền thống Y học của Ấn Độ và Trung Quốc; nền y học Hy Lạp- La Mã, thời Trung Cổ, thời Phục Hưng và cuộc cách mạng khoa học, những nền văn hoá và văn minh của thổ dân châu Mỹ… Đồng thời, cuốn sách còn mang lại cho tất cả mọi người khát khao sống khỏe mạnh, ý nghĩa và có ý thức bảo vệ sức khoẻ của chính mình hơn.
Đối với sinh viên Y sĩ đa khoa đọc cuốn sách sẽ hiểu rõ hơn vì sao y bác sĩ cần có “cái đầu lạnh và trái tim nóng”, trân quý hơn những giá trị mà ngành Y đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển để phục vụ đời sống con người. Qua đó, cũng thôi thúc ý chí, khát vọng học tập và cống hiến của sinh viên.
Atlas giải phẫu người (Atlas of Human Anatomy) của tác giả Frank H.Netter
Môn giải phẫu được coi là môn khá khó nhằn trong chương trình học Y sĩ đa khoa. Để học được tốt môn này, sinh viên cần có những phương pháp đúng đắn để học tập hiệu quả như đọc trước tài liệu, lắng nghe giảng, ghi chép, không ngại đặt câu hỏi… Ngoài ra, việc đọc thêm các sách tham khảo là rất cần thiết. Trong đó, cuốn sách Atlas giải phẫu người là tài liệu hay sinh viên nên đọc.
Cuốn sách đã tổng hợp 532 trang hình với nhiều hình vẽ màu chân thực về các chi tiết giải phẫu. Trong cuốn sách này, những hình ảnh X-quang, hình ảnh chụp cắt lớp điện toán, mạch đồ cắt lớp điện toán và cộng hưởng từ được bổ sung, điều đó, phản ánh tầm quan trọng của hình ảnh học chẩn đoán đối với giải phẫu lâm sàng và y học.
Đây là một trong những cuốn sách gối đầu giường của mọi sinh viên học Y khoa. Quyển Atlas này mô tả cơ thể con người rất chi tiết, dễ hiểu và nhấn mạnh vào mối quan hệ giải phẫu học với tương quan lâm sàng. Các hệ cơ quan được chia thành các chương riêng biệt và thành hệ thống dễ dàng tìm kiếm và tra cứu. Đặc biệt các hình ảnh lát cắt ngang và dọc luôn được lồng ghép thích hợp để sinh viên có cái nhìn rõ nét nhất ở các cơ quan và bộ phận.
Lịch sử của ung thư – Hoàng đế của bách bệnh của tác giả Siddhartha Mukherjee được dịch bởi Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Duy Sinh
Tác giả Siddhartha Mukherjee là bác sĩ người Mỹ gốc Ấn Độ và là nghiên cứu tiên phong về ung thư. Ông tốt nghiệp Đại học Oxford, Đại học Stanford và Trường Y Harvard, đã xuất bản nhiều bài báo khoa học và là người nhận giải thưởng uy tín NIH Challenge cho nghiên cứu của ông về tế bào gốc.
Đây là cuốn sách đoạt giải Pulitzer năm 2011 cho hạng mục sách phi hư cấu.
Tác giả đã cung cấp cho đọc giả kiến thức của ung thư kể từ lần đầu tiên nó được mô tả vào khoảng 4600 năm trước bởi vị thầy thuốc người Ai Cập.
Cuốn sách mang đến cho người đọc cái nhìn tổng quan về một bệnh đã làm khổ nhiều người và là căn bệnh mang đến thách thức lớn cho ngành Y tế. Người đọc sẽ có thêm thông tin về nguyên nhân, tiến trình sinh học và những cố gắng của nền Y tế trong việc chống lại bệnh ung thư từ quá khứ cho đến hiện tại.
Đối với sinh viên Y sĩ đa khoa, đây là cuốn sách rất đáng đọc để hiểu hơn về lịch sử bệnh học và điều trị của ung thư.
Bộ sách Y khoa Gray’s Series của nhà xuất bản Elsevier
Đây là một trong những bộ sách giáo khoa Y khoa nổi tiếng trên thế giới. Với các cuốn sách nổi tiếng như Gray’s Anatomy for students, Gray’s Anatomy for students flash cards, Gray’s Anatomy Review, Gray’s Anatomy, Gray’s Dissection guide for Human Anatomy, Gray’s Atlas of Anatomy, Gray’s Basic Anatomy….
Đây là bộ sách rất hữu ích cho sinh viên Y sĩ đa khoa. Sinh viên có thể học thông qua flashcard giúp dễ học dễ nhớ, dùng Atlat để đối chứng lý thuyết, phần Review thì sẽ phục vụ cho các kì thi…
Sổ tay Nội khoa – Pocket Medicine của tác giả Marc S.Sabatine
Đây là cuốn sách cực kỳ súc tích, hữu ích về nội khoa. Với lỗi trình bày dễ hiểu và lượng thông tin ngắn gọn nhưng đầy đủ, cuốn sổ tay này được nhiều bác sĩ trên thế giới mang theo người để tra cứu khi cần thiết.
Do vậy, đảm bảo đây là cuốn sách rất cần thiết cho sinh viên lúc đi học lâm sàng Nội khoa.
Zollinger’s Atlas of Surgical Operations của các tác giả Robert M.Zollinger, E. Christopher Ellison
Cuốn sách cung cấp cho người đọc các quy trình phẫu thuật tiêu hoá, gan, tụy, mạch máu, phụ khoa và bổ sung thêm chữa thoát vị nghĩa đệm, tiếp cận mạch máu, thủ thuật liên quan đến vú, sinh thiết hạch lympho, phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp…
Sách có đầy đủ các hình minh hoạ và mô tả các chi tiết theo từng cơ quan cho phép người đọc hình dung dễ dàng và học nhanh các bước của một phẫu thuật cụ thể. Mỗi chương sẽ có chứa các bản vẽ với màu nổi bật mô tả mọi thao tác quan trọng sinh viên phải xem xét trong thực hiện phẫu thuật.
Sinh viên cần đọc sách như thế nào cho có hiệu quả?
Để có thể đọc hiệu quả, hiểu được sách và ghi nhớ thì cần chú ý:
– Đọc lướt trước khi đọc kỹ
Như vậy, sinh viên có thể đọc lướt nhanh ở phần mục lục và đọc lướt để tìm nhanh các từ khoá chính. Từ khoá ở đây là tổ hợp các ký tự chứa đựng một nội dung mang tính đại diện, khái quát, có thể là các từ, cụm từ, con số, công thức nhưng cũng có thể là mệnh đề, luận điểm khoa học. Việc này giúp người đọc rút ngắn thời gian tìm kiếm thông tin và nhanh chóng tìm được những thông tin quan trọng, cần thiết.
Tuy nhiên, đọc lướt ở đây không có nghĩa là đọc qua loa, đại khái mà là kỹ năng xác định từ khoá để tìm đến thông tin cô đọng, bao chứa cả nội dung chính được diễn giải.
– Đọc sách một cách tập trung: Sách Y khoa là có khối lượng kiến thức lớn, do vậy, khi đọc sách để nâng cao kiến thức thì nên chọn không gian phù hợp, tránh những nơi ồn ào.
– Ghi chú lại
Có thể tô đậm nội dung hoặc đánh dấu nội dung quan trọng cần nhớ.
Với những phần chưa hiểu có thể ghi lại để có thể tìm thêm thông tin hoặc hỏi thầy cô giáo để có câu trả lời chính xác.
– Đọc một cách thường xuyên để nâng cao khả năng đọc hiệu quả cũng như nâng cao các kiến thức.
Trên đây là một số quyền sách hay sinh viên Y sĩ đa khoa nên đọc để mở rộng thêm vốn kiến thức. Để đọc thêm Những cuốn sách sinh viên Y sĩ đa khoa tuyệt đối không được bỏ lỡ – phần 2, mời bạn đọc theo dõi các trang thông tin của trường Cao đẳng Y Hà Nội.