Ngành y là ngành nghề tôn quý và những người làm Y Dược đều được mọi người quý trọng bởi nó có liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Vậy nên đã có rất nhiều ngày lễ kỷ niệm được đặt ra trong một năm để tôn vinh sự cống hiến không biết mệt mỏi của các Y, Bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành y tế. Đồng thời nêu cao trách nhiệm và tài trí của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thế giới nói chung và Tổ quốc Việt Nam nói riêng. Vậy các ngày lễ kỷ niệm của ngành Y là những ngày nào? Và ý nghĩa thực sự của ngày đó như thế nào?
Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Có thể nói ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) là ngày mà hầu hết người dân nào cũng nghe qua và biết tới nhưng nếu hỏi lịch sử ra đời và ý nghĩa của ngày tôn vinh ấy lại không phải ai cũng nắm bắt được.
Lịch sử ra đời
Đảng và Nhà nước ta quyết định lấy ngày 27/2/1985 hàng năm là kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm những lời chúc ngày Thầy thuốc Việt Nam trong bức thư gửi tới Hội nghị cán bộ ngành Y tế vào ngày 27/2/1955 và quyết định lấy ngày này làm ngày kỷ niệm thầy thuốc.
Trong bức thư gửi tới Hội nghị, Bác Hồ chỉ căn dặn 3 điều quan trọng tới các cán bộ Y tế:
– Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bác sĩ, Dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, những người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
– Thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.
– Xây dựng một nền y học của ta. Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”. Mong các cô các chú cố gắng thi đua, làm tròn nhiệm vụ.
Lời căn dặn ấy của Bác đã ghi ấn sâu vào trong từng bước phát triển của ngành Y tế Việt Nam. Nhờ đó mà ngành nghề này đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong những năm qua và dần đáp ứng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Như vậy, ngày Thầy thuốc Việt Nam không chỉ là ngày cả nước tôn vinh, biết ơn những Y sĩ, mà đó còn là ngày để cả nước nhớ về lời dạy của Người. Từ đó, bày tỏ lòng biết ơn với lời nói đầy ý nghĩa và tấm lòng luôn yêu thương dân, yêu đất nước của vị lãnh tụ kính mến.
Ngày 27/2 hằng năm là dịp để mọi người dân Việt Nam có cơ hội để thể hiện lòng kính trọng, sự biết ơn và gửi những lời chúc ngày thầy thuốc việt nam đến các y bác sĩ. Đồng thời, đây cũng là dịp để những người làm ngành y cùng nhớ đến và cố gắng làm theo lời căn dặn của Bác Hồ.
Ý nghĩa
Từ thời chiến tranh, cán bộ y tế đã là một phần không thể thiếu trong việc cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Mặc dù đã có nhiều y bác sĩ đã hy sinh bản thân nhưng nhờ sự dũng cảm đó mà dân tộc ta đã chiến thắng vang dội. Điển hình là người nữ anh hùng, Liệt sỹ – Bác sỹ Đặng Thùy Trâm và câu chuyện của cô vẫn còn in đậm trong ký ức những người đã từng đi qua chiến tranh và các thế hệ trẻ sau này.
Là một người thầy thuốc không chỉ cần phải giỏi về chuyên môn mà còn phải nắm bắt tốt tâm lý đối phương, cũng như việc không chỉ chẩn đoán đúng bệnh tật mà còn phải chữa lành về tâm lý, nhu cầu của bệnh nhân tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, môi trường sống của họ. Người thầy thuốc cần phải có đạo đức nghề nghiệp thì mới có thể toàn tâm toàn ý với công việc và với bệnh nhân của mình. Chính vì thế, ngày 27/2 hàng năm không chỉ là để tôn vinh mà còn như là một lời nhắc nhở về trách nhiệm và sứ mệnh mà các y bác sĩ được giao phó để phục vụ nhân dân.
Trong thời điểm cả thế giới chống lại dịch bệnh Covid-19, tại Việt Nam những con người áo trắng với tinh thần và ý chí mạnh mẽ đang làm việc để cứu sống không biết bao nhiêu mạng người. Họ đã phải chấp nhận rời xa gia đình để tham gia vào tuyến đầu chống dịch, dùng hết sức lực và chuyên môn để mỗi ngày nước ta sẽ không còn ca nhiễm mới nào nữa. Chính vì vậy, ngày Thầy Thuốc Việt Nam năm nay sẽ đặc biệt hơn bao giờ hết, ý nghĩa hơn giữa đại dịch Covid đang diễn ra phức tạp như hiện nay.
Các hoạt động chính thường được tổ chức
Đối với ngày quan trọng 27/2 này, Sở Y tế các tỉnh thành hằng năm sẽ tổ chức các chương trình kỉ niệm với sự tham gia của chính quyền và đông đảo các y, bác sĩ đã và đang làm việc trong ngành y tế. Bên cạnh đó, các bệnh viện, cơ sở y tế của các tỉnh thành cũng tự tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhằm kỷ niệm ngày đặc biệt dành riêng cho ngành. Trong đó, các bác sĩ cũng sẽ dành thời gian đi thăm hỏi sức khỏe và tặng quà cho các bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện.
Ngoài ra, vào ngày này Thủ tướng Chính phủ hay các lãnh đạo cấp cao cũng sẽ dành thời gian đến các bệnh viện lớn, các bệnh viện trung ương để chúc mừng, biểu dương các thành tích mà đội ngũ y bác sĩ đã đạt được trong thời gian qua, dành những lời động viên tinh thần các y, bác sĩ cố gắng hơn nữa trong công tác bảo vệ sức khỏe và cứu chữa cho người bệnh.
Ngày quốc tế Điều dưỡng
Khái niệm
Ngày Quốc tế Điều dưỡng (IND – International Nurses day) là một ngày lễ lớn được tổ chức trên toàn thế giới vào ngày 12 tháng 5 hằng năm. Đây cũng là ngày sinh của người phụ nữ tên Florence Nightingale – người khai sinh Ngành điều dưỡng.
Hằng năm vào ngày 12/5, cả thế giới lại tưởng nhớ đến những đóng góp và cống hiến to lớn của bà Florence Nightingale. Nhờ có người phụ nữ ấy, ngành điều dưỡng mới có thể hình thành và phát triển mạnh mẽ đến ngày nay. Đây còn là ngày mà xã hội ghi nhận, tôn vinh vai trò của người điều dưỡng trong chăm sóc con người, đặc biệt là chăm sóc người bệnh. .
Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới như: Anh, Úc, Hoa Kỳ, Canada,…. đã tổ chức ngày Quốc tế điều dưỡng 12/5 như một sự kiện và kéo dài suốt một tuần. Đây được gọi là sự kiện Tuần Quốc tế Điều dưỡng nhằm vinh danh và ghi nhận những đóng góp to lớn của nghề điều dưỡng đối với người bệnh, ngành y tế và xã hội.
Cội nguồn và ý nghĩa
Ngành điều dưỡng được bắt nguồn từ người phụ nữ nước Anh có tên là Florence Nightingale, bà đã trở thành một huyền thoại và là người người mẹ của ngành điều dưỡng thế giới.
Bà Florence Nightingale (12/5/1820 – 1910) sinh ra trong một gia đình giàu có ở Ý và có liên hệ cao cấp trong chính phủ Anh quốc. Thời điểm đó, ngành nghề y tá được coi là nghề nghèo hèn nên bà đã bị gia đình cấm không cho làm. Tuy nhiên, tình yêu và niềm đam mê với nghề điều dưỡng của bà đã có từ nhỏ giúp bà tiếp tục theo đuổi con đường này. Năm 1847, bà vào học và làm việc tại một bệnh viện ở Đức.
Dù gia đình ngăn cản và gặp nhiều trở ngại về quan điểm xã hội đối với nữ giới khi tham gia học về y tế và làm việc tại bệnh viện. Năm 1851, bà đã đến một bệnh viện ở Đức học tập sau đó trở về London để phụ trách một bệnh viện.
Sau đó, chiến tranh Crimea ở Thổ Nhĩ Kỳ (1854-1856) nổ ra, Florence đã làm tình nguyện tại bệnh viện dã chiến trong vòng 3 năm. Trong khoảng thời gian đó, bà đã không quản khó khăn, thiếu thốn, ngày đêm tận tình chăm sóc điều trị cho thương bệnh binh đóng góp làm giảm tỷ lệ người tử vong do nhiễm trùng và chấn thương trong chiến đấu. Điều này đã thay đổi tất cả về quan niệm cũ kỹ của thời bấy giờ.
Vậy nên, vào ngày 12/5/1965, Hội đồng Quốc tế Điều dưỡng đã tổ chức họp và quyết định lấy ngày 12/5 tức ngày sinh của bà Florence Nightingale làm Ngày Quốc tế Điều dưỡng để tôn vinh, ghi nhớ công lao và khẳng định quyết tâm tiếp tục sự nghiệp mà bà đã xây dựng.
Ngày Dược sĩ Thế giới
Sự ra đời
Ngày Dược sĩ Thế giới được ấn định vào ngày 25/09/2010 trong cuộc họp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây Liên đoàn Dược phẩm Quốc tế (FIP) đã chính thức công nhận 25/09 là ngày kỷ niệm cũng như tôn vinh những đóng góp, cống hiến của những người Dược sĩ trong ngành Y.
Ý nghĩa
Liên đoàn Dược phẩm Quốc tế lấy ngày 25/09 nhằm mục đích khuyến khích, thúc đẩy và ủng hộ cho vai trò của dược sĩ trong việc cải thiện sức khỏe của nhân dân trên toàn thế giới.
Ngày nay, nhiều quốc gia vẫn đang phải chống chọi với dịch bệnh Covid-19, áp lực đè nặng lên vai của các y bác sĩ nói chung và những dược sĩ nói riêng. Những người dược sĩ đã và đang rất cố gắng trong công tác đảm bảo an toàn thuốc, điều chế thuốc và hướng dẫn tận tình cho người bệnh, giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh.
Ngày truyền thống ngành Thú y Việt Nam
Nguồn gốc
Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 125-SL về bài trừ dịch tễ. Đây là một trong những văn bản pháp lý quan trọng về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Dựa vào đó, Ngành Thú y Việt Nam đã nỗ lực xây dựng, phát triển mạnh mẽ, bám sát các nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn lịch sử và trở thành một trong những ngành quan trọng giúp ích cho sự phát triển chung của đất nước.
Để ghi nhận những cống hiến, phát huy vai trò và truyền thống của Ngành Thú y, ngày 12/7/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 664/QĐ-TTg về ngày truyền thống Ngành Thú y, theo đó Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 12/7 là “Ngày truyền thống của Ngành Thú y”.
Những thành tựu
Trong hơn 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Thú y đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bao gồm:
- Xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật về thú y khá toàn diện, đầy đủ, có tính thực thi cao và hội nhập quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Ngành Thú y tổ chức phát triển sản xuất, cung cấp các sản phẩm ra thị trường.
- Xây dựng được hệ thống thú y các cấp, các doanh nghiệp hoạt động về thú y ngày càng lớn mạnh, có cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất các sản phẩm chăn nuôi và các sản phẩm thú y.
- Đào tạo được nguồn nhân lực thú y sáng tâm đức, vững tay nghề, giỏi chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành, yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
- Tổ chức phòng, chống và kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm, bệnh truyền lây từ động vật sang người, đồng thời xây dựng hơn 2.000 vùng, chuỗi sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh.