Đánh giá triển vọng ngành Dược phẩm Việt Nam năm 2024

Dược phẩm đóng vai trò quan trọng trong điều trị, phòng chống các loại bệnh tật nhằm cải thiện sức khỏe cho người dùng. Năm 2023, ngành Dược Việt Nam đã đạt được một số thành công nhất định, được coi là bức tranh khởi sắc năm 2024. Vậy năm 2024 sẽ như thế nào? Hãy cùng HMC phân tích triển vọng ngành Dược phẩm trong năm 2024 thông qua những cơ hội và thách thức của ngành qua bài viết dưới đây.

Dược phẩm là gì?

Dược phẩm hay còn gọi là thuốc, đảm bảo độ an toàn, hiệu quả, chất lượng, có quy định cụ thể về thời gian sử dụng và liều lượng sử dụng; gồm hai thành phần cơ bản là thuốc tân dược và thuốc y học cổ truyền.

Đây là những sản phẩm dùng cho người với mục đích phòng, chữa bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý của cơ thể, có công dụng thành phần và chống chỉ định rõ ràng. Dược phẩm bao gồm các thành phần, nguyên liệu sản xuất thuốc, sinh phẩm y tế, vacxin. Ngày nay, dược phẩm đã trở thành một nhu cầu tất yếu trong vấn đề phòng, chữa bệnh và tăng cường sức khỏe cho con người.

Thực trạng nguồn Dược phẩm nước ta

Mặc dù Việt Nam có những thế mạnh nhất định, nhất là trong lĩnh vực sản xuất vacxin, khi tự sản xuất được 11/12 loại vacxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng song nhìn chung, sản lượng thuốc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thị trường và các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài cũng có giá trị rất khiêm tốn.

Cơ hội của ngành Dược trong năm 2024

Ngành Dược phẩm đang đón nhận những cơ hội quan trọng để thay đổi toàn diện và bức phá trở thành một trong những trụ cột kinh tế. Trong đó, một số điểm sáng đáng được kỳ vọng chính là nhu cầu Dược phẩm, chính sách thúc đẩy của chính phủ, cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do. Cụ thể:

Về nhu cầu Dược phẩm:

Việt Nam có quy mô dân số lớn, tốc độ già hóa nhanh, mức sống và trình độ dân trí ngày càng cải thiện, nhu cầu được chăm sóc và điều trị bằng thuốc và dược phẩm ngày càng cao hơn và chi tiêu cho dược phẩm đang trên đà tăng trưởng mạnh.

Việt Nam đang trong dân số vàng nhưng có xu hướng già hóa tăng nhanh. Theo số liệu từ Viện chiến lược và chính sách tài chính, tuổi thọ trung bình hiện nay là 73,6 tuổi. Dân số Việt Nam liên tục tăng trong 20 năm qua. Điều này đặt ra nhu cầu về các sản phẩm thuốc, dược phẩm là rất lớn.

Thu nhập bình quân của người dân cũng tăng đáng kể kèm theo nhu cầu và chi tiêu cho sức khoẻ cũng được gia tăng. Đặc biệt kể từ sau đại dịch COVID-19, nhận thức của người dân trong chăm sóc sức khỏe ngày càng được nâng cao. Như vậy có thể thấy một trong những nền móng cho tiềm năng phát triển của thị trường dược Việt Nam đến từ quy mô dân số lớn, tốc độ già hóa nhanh với mức sống và trình độ dân trí ngày càng cải thiện.

Thị trường Dược ở Việt Nam là một thị trường được đánh giá là lớn thứ hai ở Đông Nam Á và có nhiều tiềm năng để phát triển
Thị trường Dược ở Việt Nam là một thị trường được đánh giá là lớn thứ hai ở Đông Nam Á và có nhiều tiềm năng để phát triển.

Về chính sách thúc đẩy của chính phủ:

Chính phủ đã nỗ lực triển khai nhiều chính sách, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư để chạy đua thu hút nguồn lực phát triển ngành công nghiệp Dược. Điển hình là mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045.

Theo đó, Chính phủ có nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất nguyên liệu trong nước theo hướng: Quy định các nội dung ưu đãi/đặc biệt ưu đãi đầu tư đối với sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu sẵn có trong nước, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thuốc công nghệ sinh học, thuốc chuyên khoa đặc trị được chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi về trình tự, thủ tục nộp đơn đăng ký lưu hành thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc ứng dụng công nghệ cao và thuốc công nghệ sinh học chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam.

Đồng thời khuyến khích nghiên cứu sản xuất, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất nguyên liệu làm thuốc, sản xuất thuốc mới.

Cùng nhiều điều khoản được sửa đổi, bổ sung khác; những sửa đổi và bổ sung này góp phần đẩy mạnh khuyến khích các doanh nghiệp dược phát triển hơn nữa và tăng lợi thế cạnh tranh.

Về cơ hội mang lại từ các Hiệp định thương mại tự do FTA:

Việt Nam đã có nhiều cơ hội ký kết các Hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia. Điều này tạo sự thuận lợi cho Việt Nam trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối, tiếp cận theo vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn.

Đồng thời các FTA thường đi kèm với việc khuyến khích chia sẻ kiến thức và công nghệ, cũng như tạo điều kiện cho hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa các quốc gia. Điều này có thể giúp ngành Dược Việt Nam có cơ hội hợp tác với đối tác quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như phát triển các sản phẩm và dịch vụ.

Trước tình hình đó, để tận dụng các thuận lợi cũng như thế mạnh, các doanh nghiệp Dược ưu tiên áp dụng một số chiến lược như:

  Nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, đẩy mạnh marketing

  Tập trung xây dựng nhóm hàng chiến lược có doanh số lớn và lợi nhuận cao

  Đa dạng kênh phân phối

  Đầu tư nâng cấp, mở rộng dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế

  Tăng cường ứng dụng công nghệ trong vận hành và tiếp thị bán hàng

  Tăng cường phát triển văn hoá doanh nghiệp

  Nghiên cứu các dược phẩm mơi

  Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu

  Thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường

Thách thức của ngành Dược trong năm 2024

Mặc dù có những điểm sáng tuy nhiên ngành Dược cũng đứng trước nhiều thách thức như kinh tế tăng trưởng chậm, việc nghiên cứu và phát triển Dược phẩm đòi hỏi nguồn chi phí lớn, sự phụ thuộc của ngành Dược vào yếu tố bên ngoài…

Kinh tế tăng trưởng chậm: Ngày 29/11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã nhận định rằng kinh tế thế giới trong năm 2024 có thể sẽ “hạ cánh mềm” tức tăng trưởng chậm lại so với năm 2023. Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng kinh tế thế giới phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó cuộc xung đột Hamas-Israel có thể làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế thế giới trong ngắn hạn. Đến năm 2025, kinh tế thế giới có thể khởi sắc hơn, tuy nhiên sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Tuy tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, song mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm 2024 vẫn là thách thức lớn, đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đột phá.

Tăng trưởng kinh tế đứng trước nhiều khó khăn thách thức cũng sẽ là rào cản cho ngành Dược, kênh OTC có thể gặp nhiều khó khăn.

Việc nghiên cứu và phát triển Dược phẩm đòi hỏi nguồn chi phí lớn: Mặc dù tiềm năng phát triển ngành Dược tại Việt Nam vô cùng lớn, tuy nhiên theo nhiều báo cáo, Dược phẩm Việt cỉ đang đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sử dụng thuốc của người dân, số còn lại là nhập khẩu. Nguyên nhân là do Việt Nam vẫn đang phát triển và chưa hiện đại hoá được nhiều  công nghệ dược hiện đại vào quy trình sản xuất, chưa thành lập được vùng chuyên sản xuất dược liệu đảm bảo tiêu chuẩn. Để có thể đầu tư vào những yếu tố trên cần nghiên cứu và phát triển, tất cả các khoản cần đầu tư như vậy cộng lại thì rất tốn kém.

Việt Nam phụ thuộc lớn vào nhập khẩu

Các thuốc ngoại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các nước như Pháp, Đức, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Ý, Bỉ, Hàn Quốc… Trong đó kháng sinh vẫn là nhóm dược phẩm dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu. Bên cạnh việc nhập khẩu nhiều thuốc ngoại, ngành dược còn phải nhập khẩu nhiều dược liệu từ nước ngoài. Tỷ lệ nhập khẩu chiếm tỷ lệ cao lên tới 90%, trong đó số nguyên liệu nhập từ Ấn Độ và Trung Quốc chiếm tỷ trọng lên tới 85% tổng kinh ngạch nguyên liệu nhập khẩu.

Việc phụ thuộc lớn vào nhập khẩu sẽ khiến cho thị trường Dược Việt Nam thiếu tính ổn định, nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá, giá nhập khẩu hay những cú sốc về nguồn hàng.

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị các chính sách trọng tâm để khắc phục các khó khăn như:

  Hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về hoạt động sản xuất và lưu thông phân phối thuốc

  Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tránh trình trạng hàng giả, hàng nhái

  Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính

  Giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất

  Hoàn thiện và minh bạch quy trình đấu thầu thuốc tại các bệnh viện (Kênh ETC)

Như vậy, có thể thấy, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển ngành Dược, có nhiều cơ hội tham gia thị trường dược quốc tế nhưng lại chưa phát huy được những tiềm năng của mình. Năm 2024 sắp đến mở ra đầy rẫy những cơ hội và thách thức cho ngành Dược phẩm, đòi hỏi Việt Nam cần có định hướng và chính sách đúng đắn để đưa ngành Dược phát triển.

Triển vọng năm 2024 từ góc nhìn doanh nghiệp ngành dược (Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Dược, tháng 10-11/2023)
Triển vọng năm 2024 từ góc nhìn doanh nghiệp ngành dược (Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp Dược, tháng 10-11/2023)