Dựa trên quan niệm chỉnh thể và biện chứng, sau khi tìm được các hội chứng bệnh Y học Cổ truyền đề ra nguyên tắc chữa bệnh để chỉ đạo việc thực hành các phương pháp chữa bệnh cho chính xác và đạt kết quả cao. Cụ thể về những nguyên tắc và phương pháp chữa bệnh đó mời bạn đọc theo dõi ở bài viết dưới đây.
Nguyên tắc chữa bệnh
Trị bệnh cầu kỳ bản (tức chữa bệnh phải tìm gốc bệnh)
Để có thể điều trị hiệu quả cần tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây ra bệnh, trong đó cần phải tìm ra cả nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài.
Trong đó vai trò của nguyên nhân bên trong là vô cùng quan trọng, nó biểu hiện sự suy yếu về chính khí hay sức đề kháng của con người về các mặt âm dương, khí huyết, tân dịch, tinh thần và công năng các tạng phủ, kinh lạc.
Vì vậy, khi chữa bệnh cần tìm đúng và đủ nguyên nhân để có thể điều trị một cách có hiệu quả cho bệnh nhân.
Chữa bệnh phải có tiêu, bản, hoãn cấp (tức ngọn, gốc, hoãn cấp)
– Cấp thì trị ngọn (cấp trị tiêu) để chỉ những chứng bệnh nguy hiểm đến tính mạng người bệnh phải được cấp cứu kịp thời.
– Hoãn thì trị gốc (hoãn trị bản) đối với bệnh mãn tính lúc chưa phát bệnh thì phải chữa vào gốc bệnh.
– Không hoãn, không cấp thì chữa cả tiêu lẫn bản: vừa chữa gốc bệnh vừa chữa các triệu chính
Chữa bệnh có bổ, có tả:
Bệnh xảy ra do chính khí hư và tà khí thực, hư thì bổ mà thực thì tả. Quá trình diễn biến của bệnh tật là sự đấu tranh giữa chính khí và tà khí, phải vừa bổ để nâng cao chính khí và vừa tả để trừ tà khí.
Chữa bệnh phải có đóng, mở (khai, hạp):
Nguyên tắc này còn gọi là “bình Nam, bổ Bắc”, như chứng âm hư sinh nội nhiệt (ức chế giảm mà hưng phấn tăng) thì phải cho các thuốc bổ âm (nâng cao ức chế), mặt khác phải cho các thuốc thanh hư nhiệt, tết nhiệt (hạ hưng phấn). Bệnh ỉa chảy, đi tiểu ít thì phải cầm ỉa chảy, mặt khác cho thuốc lợi niệu đi tiểu được nhiều sẽ giúp cho việc cầm ỉa chảy nhanh hơn.
Chữa bệnh phải tùy giai đoạn bệnh (sơ, trung, mạt):
Nguyên tắc này được áp dụng nhiều cho các giai đoạn của ôn bệnh (bệnh truyền nhiễm). Giai đoạn đầu (sơ) hay là giai đoạn khởi phát, lúc tà khí còn ở bên ngoài (phần vệ) thì phải dùng phương pháp tả (phát hãn) để đưa tà khí ra ngoài. Giai đoạn toàn phát, lúc tà khí và chính khí đấu tranh quyết liệt với nhau bên trong cơ thể thì phải vừa bổ, vừa tả (tức vừa nâng cao chính khí, vừa trừ tà khí). Tới giai đoạn hồi phục của bệnh, tà suy thì chính khí cũng bị hao tổn, cần phải dùng phương pháp bổ để bồi dưỡng chính khí hồi phục lại sức khỏe đã bị giảm sút trong quá trình bệnh tật.
Chính trị và phản trị
Chính trị và phản trị là chữa vào bản chất của bệnh. Chính trị là chữa ngược lại với các hiện tượng bệnh lý còn gọi là nghịch trị. Còn phản trị là chữa thuận theo với các hiện tượng bệnh lý còn gọi là tòng trị.
Phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Y học Cổ truyền
Có 8 phương pháp dùng thuốc trong Y học Cổ truyền bao gồm Hãn pháp, Thổ pháp, Hạ pháp, Hòa pháp, Ôn pháp, Thanh pháp, Tiêu pháp, Bổ pháp. Cụ thể như sau:
Hãn pháp
Đây là phương pháp dùng thuốc cho ra mồ hôi để đưa tà khí ra ngoài, chỉ dùng khi bệnh còn ở biểu không cho truyền bệnh vào trong lý.
Phương pháp này dùng để chữa các bệnh như ngoại cảm phong hàn, ngoại cảm phong nhiệt, ngoại cảm phong thấp, bệnh phong thuỷ, bệnh sởi lúc chưa mọc ban.
Tuy nhiên có lưu ý đó là không được dùng khi bị nôn, mất nước, mùa hè cũng không nên cho ra mồ hôi quá nhiều…
Thổ pháp
Là phương pháp dùng thuốc gây nôn khi ngộ độc thức ăn, đồ uống và chỉ dùng khi các chất còn ở dạ dày.
Hạ pháp
Là phương pháp dùng các thuốc có tác dụng tẩy và nhuận tràng để đưa các chất ứ đọng trong cơ thể ra ngoài bằng đường đại tiện.
Phương pháp này dùng để chữa các chứng bệnh như táo bón, dương minh phủ chứng, chứng phù thũng, chứng hoàn đản nhiễm trùng, chứng ứ huyết ở đại trường, chứng đàm ẩm ở tỳ vị…
Tuy nhiên có lưu ý đó là khi sử dụng thuốc phải căn cứ vào tính chất hàn nhiệt của bệnh, căn cứ vào thể chất của người bệnh, không được dùng trong những trường hợp như phụ nữ có thai, phụ nữ sau khi đẻ, người già yếu, và 1 số trường hợp khác…
Hoà pháp
Là phương pháp dùng các bài thuốc để chữa bệnh ngoại cảm thuộc bán biểu bán lý và chữa các bệnh gây ra do sự mất điều hoà khí huyết các tạng phủ trong cơ thể.
Phương pháp này dùng để chữa chứng bệnh như chứng cảm mạo thuộc kinh thiếu dương, bệnh sốt rét, chứng bệnh do can tỳ bất hoà…
Chú ý không được dùng phương pháp trong khi tà còn ở biểu hay đã vào lý.
Ôn pháp
Là phương pháp dùng các thuốc ấm và nóng tạo thành bài thuốc để chữa các chứng hư hàn thuộc lý trong cơ thể.
Dùng phương pháp này để chữa các chứng bệnh như bệnh đau dạ dày, viêm đại tràng, rối loạn têu hoá có triệu chứng sợ lạnh, tay chân lạnh, đau bụng, nôn…; bệnh viêm thận mạn tính gây phù thũng, bệnh viêm đại ràng mãn tĩnh; chứng truỵ mạch, choáng do mất máu, mất nước…
Chú ý không được dùng với trường hợp người có chứng nhiệt, người âm hư huyết hư do thiếu tân dịch không dùng phép ôn…
Thanh pháp
Đây là phương pháp dùng các bài thuốc mát, lạnh, tạo thành bài thuốc để chữa các chứng bệnh gây ra nhiệt hoặc cơ thể ở tình trạng dị ứng nhiễm trùng.
Ứng dụng lâm sàng: thanh nhiệt tả hỏa, thanh nhiệt lương huyết, thanh nhiệt giải độc, thanh nhiệt trừ thấp, thanh nhiệt giải thử…
Tuy nhiên lưu ý dùng thận trọng đối với các trường hợp suy nhược cơ thể, tỳ hư, thiếu máu…
Tiêu pháp
Là dùng những vị thuốc tạo thành những bài thuốc có tác dụng chữa các chứng bệnh gây ra do tích tụ, ngưng trệ như ứ huyết, khí trệ, ứ nước, ứ đọng thức ăn.
Bổ pháp
Đây là phương pháp dùng các vị thuốc chữa các chứng bệnh do công năng hoạt động của cơ thể bị giảm sút gây ra.
Bổ pháp chia thành 4 loại bổ âm, bổ dương, bổ khí và bổ huyết.
Ngoài phương pháp dùng thuốc bên trong còn có phương pháp dùng thuốc bên ngoài như xông, tắm ngâm, bôi, ngậm, súc, xoa bóp…
Bài đọc trên cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về nguyên tắc chữa bệnh đem lại hiệu quả cao của Y học Cổ truyền và những phương pháp chữa bệnh phong phú của nó.