Những kỹ năng cần thiết của một Y sĩ đa khoa chuyên nghiệp

Ngoài những kiến thức chuyên môn thì kỹ năng là thứ không thể thiếu trong tất cả các ngành nghề trong đó có ngành Y sĩ đa khoa. Vậy để trở thành một Y sĩ đa khoa chuyên nghiệp cần những kỹ năng gì? Cùng Cao đẳng Y Hà Nội tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.

Kỹ năng là gì? Tại sao sinh viên Y sĩ đa khoa cần phải có cả kỹ năng mềm và kỹ năng cứng?

Theo UNESCO, ba thành tố hợp thành năng lực của một con người là kiến thức, kỹ năng và thái độ theo mô hình ASK. Đây là mô hình tiêu chuẩn nghề nghiệp được ấp dụng phổ biến trên thế giới.

Trong ba yếu tố trên thì hai yếu tố sau đều thuộc kỹ năng và góp phần quyết định trong việc hình thành nhân cách, bản lĩnh, tính chuyên nghiệp và sự thành công của mỗi cá nhân.

Kỹ năng (skills) là khả năng, năng lực thực hiện một công việc nhất định, trong một hoàn cảnh, điều kiện nhất định, giải quyết một vấn đề nào đó. Kỹ năng có thể bảo gồm cả khả năng vận dụng kiến thức và kinh nghiệm thực tế, cũng như khả năng thích nghi và học hỏi trong các tình huống mới. Có nhiều loại kỹ năng tuy nhiên phổ biến nhất là kỹ năng cứng và kỹ năng mềm:

Kỹ năng mềm (soft skills) là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng không liên quan trực tiếp đến kiến thức chuyên môn, nhưng quan trọng trong giao tiếp và làm việc với người khác.

Kỹ năng cứng (hard skills) là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng chuyên môn liên quan đến một lĩnh vực hoặc một ngành nghề cụ thể.

Trong ngành Y tế có đặc thù riêng đó là các cán bộ y tế thường xuyên phải tiếp xúc với những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, có sự khác biệt về vùng miền, trình độ, tính cách và ngành nghề… Thêm vào đó, ngành Y tế là một trong những ngành chịu nhiều sức ép từ dư luận. Do vậy, việc đào tạo kỹ năng cho sinh viên Y sĩ đa khoa là rất quan trọng để tạo ra những cán bộ có đầy đủ phẩm chất và kỹ năng để hành nghề. Trong có các kỹ năng mềm và kỹ năng cứng sẽ giúp cho sinh viên ngành Y sĩ đa khoa cải thiện khả năng làm việc, phát triển tự tin, có lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động…

Vậy những kỹ năng mềm và kỹ năng cứng nào mà một Y sĩ đa khoa chuyên nghiệp cần có?

Những kỹ năng cần thiết của một Y sĩ đa khoa chuyên nghiệp

Trước hết về kỹ năng cứng, một Y sĩ đa khoa cần có kỹ năng thăm khám, kỹ năng xét nghiệm, kỹ năng giải phẫu, kỹ năng văn phòng…

Kỹ năng thăm khám

Về khám toàn trạng: đầu tiên, sinh viên cần nắm được các tư thế trong thăm khám lâm sàng để tạo sự thoải mái tối đa cho bệnh nhân, tránh sự thay đổi tư thế cho bệnh nhân khi không cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thăm khám. Tiếp theo, Y sĩ đa khoa cần biết và thành thạo cách đo và tính chỉ số BMI (Body Mass Index). Các chỉ số này sẽ cho thấy tình trạng dinh dưỡng, ước chừng được lượng mỡ trong cơ thể.. để tư vấn về vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân. Thêm vào đó, Y sĩ đa khoa cần lấy được dấu hiệu sinh tồn (thông qua mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở) và hiểu được ý nghĩa của các thông số đó. Việc lấy được các dấu hiệu sinh tồn rất quan trọng trong việc xử lý kịp thời các tình huống điều trị cho bệnh nhân. Đồng thời, cán bộ Y sĩ cần đánh giá được tình trạng bệnh nhân, tình trạng da – niêm, tình trạng mất nước và tình trạng phù.

Y sĩ lấy dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân thông qua đo huyết áp
Y sĩ lấy dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân thông qua đo huyết áp

Đồng thời, để hỗ trợ Bác sĩ tốt, Y sĩ cần nắm được các kỹ năng như: khám đầu – mặt – cổ – tuyến giáp, phổi, tim, bụng, tuyến vú, hậu môn – trực tràng, mạch máu… Đây là những kỹ năng quan trọng sinh viên cần nắm bắt thông qua kiến thức được học và vận dụng một cách hiệu quả trong thực hành.

Kỹ năng xét nghiệm

Các Y sĩ đa khoa cần nắm được các xét nghiệm thường quy- đây là những xét nghiệm  (xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm tổng quát, điện tâm đồ…) mà bệnh nhân thực hiện khi đến bệnh viện để khám hay điều trị bệnh. Những xét nghiệm này có thể gợi mở những thông tin ban đầu về tình trạng sức khoẻ, từ đó Bác sĩ Y sĩ sẽ tiếp tục đề nghị. Một số xét nghiệm chuyên sâu liên quan đến bệnh giúp phát hiện sớm và ngăn ngừa bệnh tật, hạn chế tối đa những biến chứng.

Kỹ năng giải phẫu

Y sĩ cần phải có những hiểu biết tường tận về cấu tạo, chức năng của cơ thể người bởi đây là kỹ năng vô cùng quan trọng đối với mọi Y sĩ nhằm phục vụ cho công tác kiểm tra cơ bản và chuẩn bị các bước cần thiết để hỗ trợ Bác sĩ. Đặc biệt là các thủ thuật cơ bản như kỹ thuật lấy khí máu động mạch, kỹ thuật rửa tay – mặc áo choàng – mang găng vô khuẩn, các mũi khâu – cột chỉ cơ bản…

Kỹ năng văn phòng

Ngoài ra, kỹ năng văn phòng cũng là kỹ năng quan trọng mà Y sĩ cần có để thực hiện công việc văn phòng y khoa như trả lời điện thoại, sắp xếp lịch hẹn khám, đặt hàng công cụ y khoa, sắp xếp sổ sách, điền thông tin và kiểm tra hóa đơn, chi trả bảo hiểm sức khỏe của bệnh nhân… trong trường hợp văn phòng y khoa không có tiếp tất.

Tiếp theo về kỹ năng mềm, đây là những kỹ năng rất quan trọng mà Y sĩ đa khoa cần có để làm việc hiệu quả và phát triển sự nghiệp. Đó là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng công nghệ…

Kỹ năng giao tiếp

Có thể nói, giao tiếp là nghệ thuật trong ngành y. Y sĩ đa khoa giao tiếp có hiệu quả sẽ thu thập được nhiều thông tin từ bệnh nhân (trong đó sẽ có nhiều thông tin giúp chẩn đoán bệnh ban đầu), đồng thời góp phần xây dựng sự tin tưởng của bệnh nhân, gia tăng mức độ hài lòng từ đó gia tăng sự tuân thủ và hợp tác điều trị, phục vụ tốt cho công tác điều trị bệnh hiệu quả. Thêm vào đó, kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp giảm xung đột, hiểu lầm và các vụ kiện tụng.        

Trên thực tế, 70-80% nội dung bệnh nhân phản ánh tại các bệnh viện là thái độ giao tiếp của nhân viên y tế khiến bệnh nhân không hài lòng.

Do vậy, sinh viên Y sĩ đa khoa cần được đào tạo kỹ năng giao tiếp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Y sĩ hỏi han sức khoẻ bệnh nhân
Y sĩ hỏi han sức khoẻ bệnh nhân

Kỹ năng lắng nghe

Một Y sĩ chuyên nghiệp cần phải biết lắng nghe bệnh nhân của mình. Trong đó, các Y sĩ cần luôn kiên nhẫn, tập trung lắng nghe bệnh nhân trình bày về bệnh tình cũng như những mong muốn chữa trị của họ. Việc này sẽ giúp nâng cao việc khai thác thông tin từ bệnh nhân cũng như đảm bảo cho họ an tâm điều trị.

Trên thực thế, việc Bác sĩ, Y sĩ cắt ngang lời bệnh nhân quá sớm là vấn đề đang xảy ra nhiều tại cơ sở y tế. Do vậy, ngay từ khi còn đi học, các cơ sở đào tạo cần có những buổi dạy về những kỹ năng cần thiết này cho sinh viên.

Kỹ năng làm việc nhóm

Một Y sĩ đa khoa không làm việc đơn lẻ mà thông thường sẽ phải hỗ trợ các Bác sĩ và kết hợp với các Y tá, Điều dưỡng tạo thành một nhóm để cùng thực hiện công việc. Khi nhóm hoạt động hiệu quả và có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau thì công việc của các thành viên nói riêng, công việc chăm sóc và điều trị cho người bệnh đều thuận lợi và hiệu quả.

Không chỉ vậy, làm việc nhóm còn giúp giảm thiểu lỗi cá nhân và tăng an toàn trong chăm sóc Y tế bởi trong quá trình làm việc nhóm khó tránh khỏi những sai sót của một cá nhân nào đó, vì vậy việc hỗ trợ lẫn nhau trong những thiếu sót và cách giải quyết sai sót sẽ giúp giảm những nguy cơ tiềm ẩn trong mỗi nhóm chăm sóc y tế.

Đồng thời, kỹ năng làm việc nhóm tốt của mỗi cán bộ Y tế góp phần tạo nên sức mạnh tập thể, tăng năng suất và hiệu quả công việc.

Kỹ năng giải quyết vấn đề

Một Y sĩ đa khoa chuyên nghiệp cần phải có kỹ năng phát hiện vấn đề sớm và giải quyết vấn đề tốt. Kỹ năng này bao gồm cả việc phân tích và đánh giá thông tin để đưa ra quyết định chính xác, kịp thời về chăm sóc bệnh nhân.

Kỹ năng này sẽ giúp cho các Y sĩ giữ bình tình khi có tình huống đột ngột phát sinh, từ đó xem xét cẩn thận mọi khía cạnh của vấn để để tìm ra hướng giải quyết hợp lý nhất.

Kỹ năng quản lý thời gian

Trong ngành Y, quản lý thời gian hiệu quả rất quan trọng. Cũng giống như các vị trí công việc khác, Y sĩ luôn phải đối mặt với lịch trình bận rộn và nhiều nhiệm vụ cùng một lúc.

Bởi vậy, kỹ năng quản lý thời gian sẽ giúp các Y sĩ tối ưu hóa công việc, đảm bảo chất lượng chăm sóc bệnh nhân, đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống đồng thời cũng tạo thêm điều kiện học tập và nghiên cứu nâng cao kiến thức chuyên môn.

Kỹ năng công nghệ

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân đã mang lại những hiệu quả tích cực, trong đó nổi bật là công nghệ AI và công nghệ Nano. Với trí tuệ nhân tạo AI giúp phân tích dữ liệu nhanh và chính xác, hỗ trợ cho công tác chẩn đoán, đánh giá kết quả và phát kiến phương pháp điều trị mới. Còn công nghệ Nano gồm các công nghệ mới như công nghệ Nano sinh học, Nanorobots… được áp dụng trong việc diệt tế bào ung thư, chống xơ vữa động mạch, sửa chữa mô hỏng, tái dạo thần kinh…

Khi công nghệ ngày càng tiên tiến và không ngừng thay đổi khiến đội ngũ Y tế nhiều tuổi mặc dù giàu kinh nghiệm nhưng lại chưa được đào tạo bài bản chưa thành thạo về công nghệ. Từ đó, Y sĩ cần đón đầu, cần được đào tạo và tiếp xúc với công nghệ tiên tiến để có thể hỗ trợ các Bác sĩ một cách hiệu quả nhất.

Làm sao phát triển kỹ năng tốt?

Trước hết, sinh viên ngành Y sĩ đa khoa cần phải xác định rõ các kỹ năng hiện tại của bản thân bằng cách liệt kê những điểm yếu, điểm mạnh của bản thân. Sau đó có thể đánh giá những khả năng của những kỹ năng mình đang có. Sinh viên cũng có thể hỏi ý kiến của thầy cô về những kỹ năng của mình. Sự phản hồi của thầy cô là sự phản hồi khách quan về cách kỹ năng của sinh viên.

Về kỹ năng cứng, sinh viên có thể rèn luyện thông qua các bài giảng của thầy cô. Đồng thời, việc thực hành hay thực tập tại các cơ sở Y tế sẽ tạo điều kiện cho sinh viên nâng cao kỹ năng chuyên môn cần thiết để thành công trong ngành.

Còn kỹ năng mềm, đây là những kỹ năng không phải có thể dạy và học trong một sớm một chiều mà sinh viên cần phải rèn luyện chăm chỉ trong một thời gian dài. Để có thể cải thiện kỹ năng mềm, sinh viên có thể tham gia các hoạt động nhóm, câu lạc bộ trong trường để gia tăng kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng giải quyết vấn đề… Trong quá trình học, sinh viên có thể rèn luyện thông qua việc phát biểu và thuyết trình, việc này không những nâng cao khả năng truyền đạt thông tin mà còn nâng cao khả năng tự tin cho sinh viên.

Kết luận

Thực tế cho thấy kỹ năng cứng tạo tiền đề, và kỹ năng mềm tạo nên sự phát triển. Người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Chìa khóa dẫn đến thành công thực sự cho sinh viên nói chung và sinh viên ngành Y sĩ đa khoa nói riêng là phải biết kết hợp cả hai kỹ năng này một cách khéo léo.