Ngày nay, Y học Cổ truyền ngày càng thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ bởi sự kết hợp sáng tạo và linh hoạt giữa Y học Cổ truyền với Y học hiện đại, tuy nhiên không nhiều người hiểu đủ ý nghĩa của việc này. Bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn ý nghĩa việc kết hợp chặt chẽ Y học Cổ truyền dân tộc với Y học hiện đại.
Chủ trương và quan điểm kết hợp Y học Cổ truyền với Y học hiện đại
Ngay từ trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới Hội nghị cán bộ y tế tháng 02 năm 1955 có viết về việc cần kết hợp Đông- Tây trong khám chữa bệnh, Bác viết : “Y học hiện đại cũng như Y học cổ truyền dân tộc đều có cái hay cái dở… Bên nào cũng có cái ưu điểm, hai cái ưu điểm cộng lại thì chữa bệnh tốt cho đồng bào cho nhân dân phục vụ cho xây dựng xã hội chủ nghĩa. Thầy thuốc tây phải học Đông y, thầy thuốc Ta cũng phải học thuốc Tây. Không nên nói cái của Ta, cái của Tây mà nói cái của chúng ta”.
Ngay sau khi thống nhất, Đại hội Đảng lần thứ IV lại một lần nữa khẳng định: “Kết hợp chặt chẽ Y học hiện đại với Y học cổ truyền của dân tộc xây dựng nền y học Việt Nam”.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng, Nhà nước, nền Y học cổ truyền đã thu được nhiều thành tựu trong việc kết hợp chặt chẽ hai lối điều trị này, góp phần to lớn vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, nâng cao vị trí Y học Việt Nam trên thế giới.
Tầm quan trọng của việc kết hợp chặt chẽ Y học Cổ truyền dân tộc với Y học hiện đại
Phát huy tinh hoa của hai nền y học
Y học Cổ truyền được biết đến rộng rãi bởi sự vận dụng sáng tạo Triết học cổ phương Đông vào chẩn trị. Đặc biệt, dùng thuốc và các biện pháp dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu…) đều có nguồn gốc tự nhiên, vốn quen thuộc với người dân Việt Nam.
Trong khi đó Y học hiện đại với sự ứng dụng thành tựu công nghệ khoa học tiên tiến với các trang thiết bị tối tân có thể chẩn đoán, can thiệp, điều trị kịp thời, có hiệu quả cao cho nhiều loại bệnh lý, thậm chí có thể cấy ghép thay thế các bộ phận bệnh lý…
Như vậy, việc kết hợp những điểm mạnh của cả hai nền y học sẽ giúp hai nền y học cho bổ sung cho nhau, từ đó Y học Cổ truyền mang dấu ấn khoa học hơn, mang lại những lợi ích tối ưu cho bệnh nhân.
Góp phần thúc đẩy sự đoàn kết và thống nhất toàn bộ cán bộ Y tế Việt Nam
Hệ thống Y tế nhà nước ta hiện nay có đội ngũ đông đảo cán bộ từ Trung ương đến các cấp địa phương thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau. Để có được sự thống nhất trong toàn bộ lực lượng cán bộ Y tế, động viên cũng như thừa kế truyền thống quý báu của dân tộc thì việc kết hợp này vô cùng cần thiết.
Thêm vào đó, ở đồng bằng và đặc biệt là miền núi, dân tộc ta có rất nhiều kinh nghiệm chữa bệnh có giá trị, có nhiều cây thuốc quý. Các vị thuốc này đều có nguồn gốc từ thực vật, là những loại cỏ, rau, quả quen thuộc, có công dụng chữa các bệnh về tiêu hoá, xương khớp, huyết áp, mẩn ngứa, dị ứng… Đây là những bài thuốc rất hay, tuy nhiên có những bài thuốc lạ thì cần phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn. Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng cũng có điểm hạn chế vì nhiều bệnh nặng, nhiều bệnh đặc biệt cần sự can thiệp của Y học hiện đại mới có thể giải quyết được.
Như vậy, các cán bộ y tế khi phối hợp Đông- Tây y trong khám chữa bệnh có thể phục vụ được mọi người dân từ đồng bào miền xuôi đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Điều này còn góp phần nâng cao chất lượng và kinh nghiệm phòng, chữa bệnh phong phú có hiệu quả của hai nền y học cho đội ngũ làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Góp phần khám chữa bệnh hiệu quả cho người dân
Về khám bệnh: giúp phân tích cơ thể một cách toàn diện
Y học Cổ truyền với phương pháp thăm khám Tứ chẩn và chẩn đoán bệnh thông qua chẩn đoán Bát Cương, chẩn đoán tạng phủ, chẩn đoán bệnh danh… Với phương pháp tổng quan này, sẽ giúp các Bác sĩ, Y sĩ có thể nhìn nhận tổng thể tình trạng cơ thể và tình trạng sức khỏe nói chung, chế độ dinh dưỡng, lối sống, trạng thái tinh thần của người bệnh nói riêng. Việc này sẽ góp phần bổ sung cho phương pháp tiếp cận chuyên sâu của Y học hiện đại khi nhấn mạnh vào điều trị thông qua các biểu hiện của căn bệnh. Khi kết hợp cả hai phương pháp lại sẽ có kế hoạch điều trị tối ưu cho bệnh nhân.
Về chữa bệnh: giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc Tây
Ngày nay, thuốc Tây được người dân sử dụng rộng rãi bởi vừa tiện dụng vừa hỗ trợ điều trị bệnh nhanh chóng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng thuốc Tây dài hạn lại được nhận xét như “con dao hai lưỡi”, có thể gây đau dạ dày, ngộ độc gan, tiêu diệt vi khuẩn có lợi, gia tăng hen suyễn và dị ứng, gia tăng viêm khớp và ảnh hưởng xương, giảm chức năng thận…
Với tình hình như vậy, việc sử dụng kết hợp sử dụng các phương pháp như dùng thuốc thang, thuốc bôi ngoài da, bấm huyệt, xoa bóp, châm cứu…sẽ giúp hỗ trợ điều trị mà còn có thể giảm thiểu tác dụng phụ từ thuốc Tây, giúp cơ thể phục hồi nhanh và tăng sức đề kháng tự nhiên.
Ngoài ra, kết hợp Đông y và Tây y còn giúp chữa lành tinh thần. Bởi Y học Cổ truyền không chỉ tập trung vào chiến lược điều trị bệnh lý đơn giản mà còn nâng cao sức khỏe tinh thần bệnh nhân thông qua sử dụng thảo dược, điều chỉnh chế độ ăn uống, thiền định, và các dạng chăm sóc tâm lý khác, từ đó giúp người bệnh tích cực hơn trong quá trình điều trị.
Biện pháp kết hợp hiệu quả hai nền Y học
Có nhiều biện pháp để kết hợp chặt chẽ Y học Cổ truyền và Y học hiện đại, trong đó cần chú ý đến các biện pháp chính như:
Nâng cao nhận thức tư tưởng cho lực lượng y tế
Lực lượng sinh viên ngành Y, Y sĩ, Điều dưỡng, Bác sĩ… cần thấy rõ được sự cần thiết và bổ ích của việc xây dựng nền Y tế Việt Nam trên cơ sở kết hợp Y học hiện đại với Y học Cổ truyền. Trên cơ sở đó, khắc phục một số tư tưởng sai lầm như coi nhẹ giá trị của nền y học cổ truyền và phương pháp chữa bệnh của cha ông ta.
Trong đó, nhà trường và các cơ sở đào tạo giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng nhận thức đúng đắn của sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ và phổ biến những kinh nghiệm từ phương pháp chữa bệnh của Y học Cổ truyền
Công tác mở rộng quy mô đào tạo đội ngũ đảm nhiệm công việc như giảng dạy, kế thừa, chữa bệnh bằng cách kết hợp hai nền y học là việc gấp rút cần thực hiện. Cần phổ cập cho mọi cán bộ y tế kiến thức thực hành các biện pháp chữa bệnh như châm cứu, bấm huyệt,… Đối với cán bộ dược, cần đào tạo thêm về dược liệu và kỹ thuật bào chế thuốc.
Khi toàn bộ lực lượng đều lắm được kiến thức và được thực hành Y dược Cổ truyền thì mới tạo đà phát triển cho việc kiện toàn tổ chức kết hợp Y học hiện đại với Y học Cổ truyền từ Trung ương đến cơ sở.
Giải quyết tốt vấn đề về dược liệu
Để có thể kết hợp hiệu quả hai nền y học thì vấn đề về dược liệu là vô cùng đáng chú ý. Công tác cần thực hiện chính là (i) cần đẩy mạnh điều tra sự có mặt và trữ lượng cây thuốc thiên nhiên, lập bản đồ dược liệu các vùng trong toàn quốc, cần chú ý vì hiện nay rừng đang bị tàn phá nặng nề, (ii) khoanh vùng trồng trọt các cây thuốc có trong nước để phục vụ nhu cầu phòng, chữa bệnh trong nước và nhu cầu xuất khẩu và (iii) khuyến khích tuyên truyền việc sử dụng thuốc Đông dược và các thuốc ở dạng thành phẩm bào chế bằng Đông dược…
Có thể nói, việc kết hợp hài hòa hai nền y học trong khám chữa bệnh ngoài việc mang lại lợi ích cho người bệnh, còn góp phần xây dựng cơ sở thực tiễn và khoa học để xây dựng các công nghệ cao, mới và đáp ứng nhu cầu thời đại. Việc này rất cần sự phối hợp đồng bộ ,toàn diện giữa cộng đồng và các nhà hoạch định chính sách, quản lý; lãnh đạo; các nhà đầu tư; các nhà thực hành y, dược cả cổ truyền và hiện đại .