Câu hỏi “Y sĩ đa khoa đã được cấp giấy phép hành nghề có được mở phòng khám không?” là câu hỏi được rất nhiều bạn đã và đang học ngành Y sĩ đa khoa quan tâm tới. Vậy để giải đáp thắc mắc của các bạn, hãy cùng Cao đẳng Y Hà Nội tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Phòng khám tư nhân là gì?
Phòng khám tư nhân là một loại cơ sở y tế hoạt động độc lập, không thuộc quyền quản lý của bệnh viện công hay tổ chức y tế công. Được cá nhân, tổ chức thành lập và điều hành quản lý theo quy định của pháp luật. Đây là nơi cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và điều trị y tế cho người bệnh dưới hình thức kinh doanh cá nhân hoặc tư nhân.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp Y sĩ đa khoa cần những điều kiện gì để được cấp giấy phép hành nghề?
Căn cứ vào Điều 24 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2024, các điều kiện cấp phép hành nghề cho các chức danh trong đó có y sĩ, bao gồm:
– Được đánh giá đủ năng lực hành nghề qua kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 hoặc có giấy phép hành nghề được thừa nhận theo quy định tại Điều 29 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023;
– Có đủ sức khỏe để hành nghề;
– Đáp ứng năng lực tiếng Việt đối với người nước ngoài theo quy định của Chính phủ;
– Không thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nêu trên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hành nghề nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài những điều kiện trên, trước khi được cấp giấy phép hành nghề y, dược tại Việt Nam, người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế cần hoàn thành thời gian thực hành tại cơ sở khám chữa bệnh. Thời gian thực hành này khác nhau tùy theo từng trường hợp. Trong đó đối với Y sĩ thì cần thực hiện 12 tháng thực hành tại bệnh viện. Do vậy, sinh viên ngành Y sĩ đa khoa sau khi tốt nghiệp sẽ cần thực hiện ít nhất 12 tháng thực hành tại bệnh viện để nâng cao kỹ năng và chuyên môn trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề y.
Y sĩ đa khoa đã được cấp giấy phép hành nghề có được mở phòng khám tư nhân không?
Điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Luật khám, chữa bệnh 2023 bao gồm:
– Đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.
– Bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng cơ bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 57 của Luật này trong quá trình hoạt động.
Căn cứ theo Pháp lệnh về hành nghề Y, Dược tư nhân, Người được cấp Chứng chỉ hành nghề Y tư nhân phải có đủ các điều kiện:
Thứ nhất, các điều kiện quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh này. Đó là có bằng cấp phù hợp với hình thức tổ chức và phạm vi chuyên môn hành nghề; đã có thời gian thực hành tại cơ sở y, dược; có đạo đức nghề nghiệp; có đủ sức khỏe để hành nghề; có đủ các điều kiện khác theo quy định tại các điều 17, 22, 27 và 31 của Pháp lệnh này tùy theo từng hình thức tổ chức hành nghề; và không thuộc đối tượng quy định tại Điều 6 của Pháp lệnh này.
Thứ hai, có một trong các bằng cấp sau đây tùy theo yêu cầu của từng hình thức tổ chức hành nghề và phạm vi chuyên môn hành nghề: bằng tốt nghiệp đại học Y, đại học dược, đại học chuyên ngành về sinh học, hoá học; bằng tốt nghiệp cao đẳng y; bằng tốt nghiệp trung học y.
Thứ ba, đã qua thực hành 5 năm đối với hình thức tổ chức hành nghề quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 16 của Pháp lệnh này tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; 2 năm đối với hình thức tổ chức hành nghề quy định tại khoản 4 Điều 16 của Pháp lệnh này tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thông qua những tìm hiểu trên, có thể trả lời cho câu hỏi “Y sĩ đa khoa có được mở phòng khám hay không?”. Đó là Không. Chỉ khi là bác sĩ và có giấy phép hành nghề phù hợp mới được phép mở phòng khám.
Vậy nên, nếu y sĩ đa khoa muốn mở phòng khám thì phải tiếp tục học cao hơn bậc Trung cấp, cao hơn bậc Cao đẳng, đó là đại học. Sau khi đạt được bằng cấp, có trình độ tương đương với bác sĩ, kết hợp với kinh nghiệm khám, chữa bệnh được quy định và giấy phép hành nghề, bạn sẽ được mở phòng khám.
Những điều kiện cụ thể để có thể mở phòng khám?
Ngoài những điều kiện về tính hợp pháp và giấy phép hoạt động nêu trên, để mở phòng khám tư nhân, các bác sĩ cần tuân thủ các điều kiện chung theo quy định dịch vụ khám, chữa bệnh và những điều kiện cụ thể liên quan khác để có thể mở phòng khám đa khoa.
Trước hết về những điều kiện chung: đó là các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực, thủ tục pháp lý.
Về cơ sở vật chất, để mở phòng khám tư đương nhiên các bác sĩ cần có một địa điểm cố định để hoạt động đáp ứng các yêu cầu về bức xạ và phòng cháy chữa cháy. Đồng thời cần có khu vực riêng để tiệt trùng dụng cụ y tế sử dụng lại (trừ trường hợp đã ký kết hợp đồng tiệt trùng với cơ sở y tế khác).
Về trang thiết bị y tế, phải đảm bảo đủ trang thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn phòng khám, cần có phòng xét nghiệm sinh hoá… có đủ các trang thiết bị để thực hiện khám lâm sàng và cận lâm sàng để phát hiện tình trạng sức khoẻ.
Về nhân lực, bác sĩ mở phòng khám tư cần có ít nhất một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Người chịu trách nhiệm và các trưởng khoa phải là bác sĩ hành nghề toàn thời gian tại phòng khám, có chứng chỉ hành nghề và phạm vi chuyên môn phù hợp. Những người tham gia vào quá trình khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ thực hiện công việc trong phạm vi được phân công. Còn những người không yêu cầu chứng chỉ hành nghề có thể thực hiện các hoạt động dưới sự phân công của người có chuyên môn.
Về thủ tục pháp lý, để được cấp phép kinh doanh khám, chữa bệnh, cơ sở y tế cần thực hiện hai thủ tục pháp lý là thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh và thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động sau khi đã có giấy phép kinh doanh.
Tiếp theo, ngoài những điều kiện chung, bác sĩ đa khoa muốn mở phòng khám đa khoa tư nhân cần đáp ứng các điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất, thiết bị y tế và nhân sự.
Về chuyên môn: phải có ít nhất 2/4 chuyên khoa sau: nội, ngoại, sản, nhi. Phải có bộ phận cận lâm sàng, bao gồm trang thiết bị xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.
Về cơ sở vật chất, phòng khám cần phải có đủ diện tích để thực hiện các kỹ thuật chuyên môn; cần có phòng cấp cứu, phòng lưu người bệnh, phòng khám chuyên khoa và phòng tiểu phẫu (nếu phòng khám tiến hành tiểu phẫu).
Về thiết bị y tế, các chuyên khoa trong phòng khám đa khoa cần có hộp thuốc chống sốc và đủ loại thuốc cấp cứu cần thiết cho từng chuyên khoa.
Về nhân sự, tối thiểu 50% số lượng bác sĩ phải là bác sĩ hành nghề toàn thời gian trong phòng khám đa khoa. Đồng thời người phụ trách các phòng khám chuyên khoa và bộ phận cận lâm sàng cần phải làm việc toàn thời gian tại phòng khám.
Chi phí mở phòng khám đa khoa tư nhân
Ngoài những quy định mở phòng khám tư nhân trên, chi phí là điều kiện đủ để có thể mở phòng khám một cách thuận lợi.
Trong đó chi phí mở phòng khám đa khoa tư nhân hay chuyên khoa có thể khác nhau tuỳ thuộc vào quy mô, địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị…
Trước hết là chi phí thuê hoặc mua mặt bằng. Khoản chi phí này bao gồm tiền thuê hoặc mua đất, thuê hoặc mua nhà để xây dựng phòng khám. Sau đó là các chi phí xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất bao gồm cung cấp hệ thống điện, nước, hệ thống thông gió và trang trí nội thất.
Tiếp theo là chi phí mua sắm thiết bị, vật tư y tế. Khoản chi phí này bao gồm tiền đầu tư vào các trang thiết bị máy móc chẩn đoán, các vật tư y tế như thuốc, băng gạc, dụng cụ… Đây cũng là chi phí chiếm tỉ lệ lớn.
Thêm vào đó là chi phí thuê bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng và các nguồn nhân lực khác. Bao gồm tiền lương và phụ cấp, sau đó là tiền bảo hiểm cho nhân viên.
Một chi phí khác có thể phát sinh là chi phí quảng cáo. Đây là chi phí để quảng bá và tiếp thị phòng khám bao gồm tạo website, quảng cáo và chương trình khai trương hoặc ưu đãi để thu hút khách hàng.
Ngoài ra cũng có thể phát sinh các chi phí khác, các bác sĩ cần phải có một khoản dự trù khác nữa.
Trên đây là những điều kiện để Y sĩ đa khoa có thể mở phòng khám tư nhân, mong rằng sẽ đem lại thông tin hữu ích cho bạn đọc.