Y sĩ đa khoa cần những điều kiện gì để được cấp giấy phép hành nghề?

Y sĩ là một trong những chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, cùng với Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023, nhiều người vẫn chưa nắm rõ được những quy định, điều kiện cấp giấy phép hành nghề từ ngày 01/01/2024 như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn các vấn đề liên quan đến giấy phép hành nghề này.

Điều kiện hành nghề của Y sĩ đa khoa là gì?

Các cá nhân được phép hành nghề khám chữa bệnh khi đáp ứng đủ các tiêu chí như:

– Có giấy phép hành nghề đang còn hiệu lực hoặc đã đăng ký hành nghề

– Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh theo quy định

– Không thuộc các trường hợp bị cấm hành nghề

Tuy nhiên, các cá nhân được khám bệnh, chữa bệnh mà không cần đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm trên là các học viên, sinh viên, học sinh đang học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe, người đang trong thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề, người đang trong thời gian chờ cấp giấy phép hành nghề và chỉ được khám bệnh, chữa bệnh dưới sự giám sát của người hành nghề; và các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Chính phủ…

Giấy phép hành nghề Y là gì?

Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (hay được gọi là Giấy phép hành nghề y) là văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Giấy phép hành nghề là minh chứng cho việc các cán bộ Y tế có trình độ chuyên môn và thường xuyên trau dồi, học tập nhằm nâng cao hiểu biết của bản thân. Bên cạnh đó, đối với những người muốn mở phòng khám, hiệu thuốc riêng thì bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ và chặt chẽ các điều kiện của Bộ Y tế… Một trong số đó là giấy phép hành nghề.

Điều kiện cấp giấy phép hành nghề Y sĩ theo quy định mới

Căn cứ vào Điều 24 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2024, các điều kiện cấp phép hành nghề cho các chức danh trong đó có y sĩ, bao gồm:

Được đánh giá đủ năng lực hành nghề qua kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 hoặc có giấy phép hành nghề được thừa nhận theo quy định tại Điều 29 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023;

Có đủ sức khỏe để hành nghề;

Đáp ứng năng lực tiếng Việt đối với người nước ngoài theo quy định của Chính phủ;

Không thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nêu trên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hành nghề nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Một trong những điều kiện cấp giấy phép hành nghề Y sĩ là Y sĩ có đủ sức khoẻ hành nghề...
Một trong những điều kiện cấp giấy phép hành nghề Y sĩ là Y sĩ có đủ sức khoẻ hành nghề…

 Giấy phép hành nghề y có thời hạn bao lâu?

Theo quy định tại Điều 27 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì mỗi người hành nghề chỉ được cấp 01 giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc, giấy phép hành nghề có thời hạn 05 năm. Vậy khi hết thời hạn giấy phép hành nghề thì cần gia hạn nó.

Như vậy, từ 01/01/2024, giấy phép hành nghề Y có thời hạn là 05 năm. Việc này sẽ hạn chế tối đa những sai sót chuyên môn bởi người hành nghề sẽ phải thực hiện cập nhật kiến thức Y khoa liên tục để đủ điều kiện gia hạn giấy phép hành nghề. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo và sử dụng nhân lực trong thực tiễn, kiểm soát chănt chẽ hơn chất lượng người hành nghề.

Nội dung của giấy phép hành nghề bao gồm các thông tin cơ bản sau đây:

Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân đối với người hành nghề Việt Nam; số hộ chiếu và quốc tịch đối với người hành nghề nước ngoài

Chức danh chuyên môn;

Phạm vi hành nghề;

Thời hạn của giấy phép hành nghề.

Đây là điểm mới so với chứng chỉ hành nghề không có thời hạn trước đó, đây là biện pháp chủ trương đúng đắn để nâng cao chất lượng của đội ngũ y tế, đòi hỏi các cán bộ cần liên tục bồi dưỡng chuyên môn và kỹ năng để có đủ điều kiện gia hạn giấy phép.

Các trường hợp được cấp mới giấy phép hành nghề y

Việc cấp mới giấy phép hành nghề được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

– Người lần đầu tiên đề nghị cấp giấy phép hành nghề;

– Người hành nghề thay đổi chức danh chuyên môn đã được ghi trên giấy phép hành nghề;

– Người bị thu hồi giấy phép hành nghề thuộc trường hợp cấp mới theo quy định của Chính phủ;

– Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

Y sĩ cần thực hành bao lâu để nhận được giấy phép hành nghề?

Trước khi được cấp giấy phép hành nghề y, dược tại Việt Nam, người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế cần hoàn thành thời gian thực hành tại cơ sở khám chữa bệnh. Thời gian thực hành này khác nhau tùy theo từng trường hợp. Trong đó đối với Y sĩ thì cần thực hiện 12 tháng thực hành tại bệnh viện. Do vậy, sinh viên ngành Y sĩ đa khoa sau khi tốt nghiệp sẽ cần thực hiện ít nhất 12 tháng thực hành tại bệnh viện để nâng cao kỹ năng và chuyên môn trước khi được cấp giấy phép hành nghề y.

Sinh viên ngành Y sĩ đa khoa sau khi tốt nghiệp cần thực hiện ít nhất 12 tháng thực hành tại bệnh viện, các cơ sở y tế... để có đủ tiêu chí cấp giấy phép hành nghề
Sinh viên ngành Y sĩ đa khoa sau khi tốt nghiệp cần thực hiện ít nhất 12 tháng thực hành tại bệnh viện, các cơ sở y tế… để có đủ tiêu chí cấp giấy phép hành nghề

Phạm vi hành nghề

Việt Nam có nhiều quy định đối với phạm vi hành nghề của các Y sĩ đa khoa.

Đầu tiên, phạm vi hành nghề phải phù hợp với văn bằng, chứng chỉ chuyên môn liên quan đến Y tế mà người đó đã được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam. Đồng thời phải phù hợp với năng lực thực hiện được các phương pháp, kỹ thuật chuyên môn của người hành nghề theo chuyên khoa đăng ký và phù hợp với danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Từ đó đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn cho người bệnh. Trong đó, danh mục kỹ thuật chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh của Y sĩ đa khoa gồm 484 danh mục kỹ thuật.

Người hành nghề là y sỹ tại tuyến xã được phép tham gia sơ cứu ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh thông thường theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 27 tháng 5 năm 2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sỹ, bác sỹ y học dự phòng, y sỹ.

Kết luận:

Trên đây là một số nội dung liên quan đến giấy phép hành nghề Y sĩ đa khoa. Có lưu ý đó là người được cấp văn bằng y sĩ trình độ trung cấp sau 31/12/2026 không được cấp giấy phép hành nghề y sĩ. Do vậy người học cần học liên thông lên hoặc theo học từ trình độ cao đẳng trở lên để có đủ điều kiện cấp giấy phép hành nghề. Một điểm cần lưu ý nữa là đổi từ chứng chỉ hành nghề không có thời gian sang giấy phép hành nghề 5 năm, từ đó đòi hỏi cán bộ Y tế luôn cập nhật kiến thức và chuyên môn.

Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để có những định hướng chính xác cho tương lai bản thân.

Xem thêm: Những kỹ năng cần thiết của một Y sĩ đa khoa chuyên nghiệp tại đây.