Học thuyết Âm Dương giữ vai trò quan trọng trong nền Y học Cổ truyền, nó quán triệt từ đầu tới cuối, từ đơn giản đến phức tạp trong suốt quá trình cấu tạo cơ thể, sinh lý, bệnh lý, chẩn đoán và các phương pháp chữa bệnh bằng Y học Cổ truyền. Bài viết dưới đây sẽ cùng các bạn đi tìm hiểu về sự ứng dụng học thuyết này vào khám chữa bệnh.
Sơ lược lịch sử của Học thuyết Âm Dương
Y học Cổ truyền có một lịch sử vô cùng lâu đời, trong đó lưu truyền lại nhiều Học thuyết có giá trị đến hiện nay, phải kể đến là Học thuyết Âm Dương.
Âm Dương là một khái niệm trừu tượng phản ánh về hai mặt, hai thế lực luôn đối lập nhau, nhưng lại luôn thống nhất với nhau, cùng phải dựa vào nhau để tồn tại và phát triển.
Học thuyết Âm Dương là vũ trụ quan của triết học Trung Quốc cổ đại về cách thức vận động của mọi sự vật, mọi hiện tượng; dùng để giải thích sự xuất hiện, sự tồn tại, sự chuyển hoá lặp đi lặp lại có tính chu kỳ của sự vật, hiện tượng ấy trong tự nhiên.
Học thuyết Âm Dương được ứng dụng vào Y học Cổ truyền phương Đông từ rất sớm. Bắt đầu từ thời Chiến quốc đã xuất hiện tác phẩm Hoàng đế Nội kinh, đây là pho sách về Y học hoàn chỉnh đầu tiên của Y học Cổ truyền Trung Quốc. Đến thời Hán, nhà Y học vĩ đại Trương Trọng Cảnh đã viết rất nhiều sách về Y học, còn lưu lại đến hiện nay là Thương hàn luận và Kim quỹ yếu lược. Học thuyết Âm Dương là cơ sở triết học của những tác phẩm kiệt xuất này.
Các thầy thuốc nổi tiếng ở Việt Nam từ thế này sang thế hệ khác tiêu biểu là những y gia nổi tiếng như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông,… đều đã vận dụng triệt để học thuyết Âm Dương vào thực tiễn lâm sàng.
Các quy luật cơ bản trong học thuyết Âm Dương
Học thuyết này cho rằng mọi hiện tượng luôn cùng có hai mặt, hai tích chất khác nhau. Trong đó, hai tính chất này đối lập nhau nhưng luôn tồn tại không thể tách rời (Âm Dương đối lập mà hỗ căn). Hai tính chất luôn vận động theo cách cái này lớn dần và biến mất để cho cái kia xuất hiện và cứ thế tiếp diễn theo chu kỳ nhất định (Âm dương bình hành mà tiêu trưởng). Cụ thể:
Âm dương đối lập với nhau: đối lập là sự mâu thuẫn, chế ước và đấu tranh giữa hai mặt âm dương. Ví dụ: trời – đất, trong – ngoài, động – tĩnh, ngày – đêm, nước – lửa, ức chế – hưng phấn…
Âm dương hỗ căn: là sự nương tựa lẫn nhau. Hai mặt âm dương tuy đối lập với nhau nhưng phải nương tựa lẫn nhau mới tồn tại được. Ví dụ, có số âm mới có số dương
Âm dương tiêu trưởng: Tiêu là sự mất đi, trưởng là sự phát triển, nói lên sự vận động không ngừng sự chuyển hoá lẫn nhau giữa hai mặt âm dương.
Âm dương bình hành: hai mặt âm dương tuy đối lập, vận động không ngừng, nhưng luôn lặp lại được thế thăng bằng, thế quân bình giữa hai mặt.
Đội ngũ Y Bác sĩ từ lâu đã ứng dụng các quy luật của Học thuyết này vào trong nền Y học dân tộc.
Ứng dụng học thuyết Âm Dương trong y học
Ứng dụng vào phân chia các tổ chức cơ thể
Kết cấu tổ chức của cơ thể tồn tại ở các mặt đối lập nhau, những mặt đối lập ấy đều có thể dùng âm dương để khái quát và nói rõ quan hệ liên quan lẫn nhau.
Dựa theo thuộc tính của Âm, Dương; người ta phân định cơ thể thành:
Âm | Dương | |
Vị trí trên cơ thể | Phía dưới, bên trong (Lý) | Phía trên, phía ngoài (Biểu) |
Bên phải, mặt bụng | Bên trái, mặt lưng | |
Tạng phủ | Tạng: tâm, tâm bào, can, tỳ, phế, thận | Phủ: tiểu trường, tam tiêu, đại trường, bàng quang |
Kinh lạc | Kinh âm: thiếu âm tâm
Thận: thái âm phế Quyết âm can Tâm bào |
Kinh dương: dương minh vị, đại trường, thái dương tiểu trường, bàng quang, thiếu dương đởm, tam tiêu |
Tạng | Can, thận | Tâm, phế |
Phủ | Tiểu trường, Đại trường, Bàng quang, Tam tiêu | Vị, Đởm |
Tam tiêu | Hạ tiêu | Thượng tiêu |
Khí huyết | Huyết | Khí |
Ngoài ra vật chất dinh dưỡng thuộc Âm, cơ năng hoạt động thuộc Dương. Hiểu một cách khác, Âm là cơ sở vật chất còn Dương là chức năng của tạng đó.
Cách xếp loại cơ quan bộ phận trong cơ thể con người theo Học thuyết Âm Dương cũng góp phần vào mặt giải phẫu học.
Đối với Bác sĩ, Y sĩ, Điều dưỡng, có thể dựa vào cấu tạo cơ thể chia theo âm dương để phát hiện triệu chứng của bệnh nhân. Ví dụ, âm chứng: thân nhiệt thấp, mạch nhỏ và chậm, tiếng nói nhỏ và thở yếu. Còn dương chứng, thân nhiệt cao, mạch to và nhanh, tiếng nói to và thở mạnh.
Còn người dân cần có chế độ tập luyện phù hợp với các bài tập toàn diện, tấc động đến mọi bộ phận trong cơ thể. Với các vùng bị suy giảm chức năng cần tập trung rèn luyện nhiều hơn, cần kết hợp các động tác tập động (Âm) và tập tĩnh (Dương) để khí thuyết lưu thông, tinh thần sung mãn.
Ứng dụng trong phân tích nguyên nhân bệnh tật
Theo Y học Cổ truyền, nhân tố gây bệnh chia thành Âm tà và Dương tà.
Quy luật diễn biến bệnh: trạng thái sinh lý bình thường là kết quả của âm dương duy trì trạng thái cân bằng. Nếu quá trình đó bị phá vỡ sẽ làm mất cân bằng âm dương trong cơ thể, phát sinh bệnh tật.
Sự mất cân bằng ấy được biểu hiện thành sự thiên thắng hay thiên suy:
Trước hết, Thiên thắng lại phân chia thành Dương thắng hay Âm thắng. Nếu Dương thắng thì gây chứng nhiệt: sốt, mạch nhanh, khát nước, ra mồ hôi, táo, nước tiểu đỏ, chất lưỡi hồng rêu lưõi vàng, mạch sác. Còn nếu Âm thắng gây chứng hàn: người lạnh, chân tay lạnh, đau bụng, đại tiện lỏng, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm.
Tiếp theo, về thiên suy: Dương hư gây chứng Hàn (lạnh chân tay, thân mình người suy nhược…), hoặc âm hư gây chứng Nhiệt (cảm giác nóng nảy bứt rứt, khô khát…)
Như vậy, Dương chứng có thể là biểu hiện của Dương bệnh (Dương thái quá) mà cũng có thể là Âm bệnh (Âm bất cập) hoặc cả hai. Âm chứng có thể là biểu hiện của âm bệnh (Âm thái quá) hay Dương bệnh (Dương bất cập) hoặc cả hai.
Trong quá trình phát triển của bệnh, tính chất của bệnh còn chuyển hóa lẫn nhau giữa hai mặt Âm Dương. Bệnh ở phần Dương ảnh hưởng đến bệnh ở phần Âm như sốt cao kéo dài gây mất nước; bệnh ở phần Âm cũng ảnh hưởng đến phần Dương như nôn mửa kéo dài, mất nước điện giải làm nhiễm độc thần kinh gây sốt, co giật thậm chí gây trụy mạch.
Như vậy, khi ứng dụng Học thuyết Âm Dương vào phát hiện các nguyên gây gây bệnh sẽ đem lại cái nhìn toàn diện về tình trạng cơ thể từ thể chất đến tinh thần.
Ứng dụng trong chẩn đoán bệnh
Khi phân tích được nhân tố gây bệnh, Học thuyết Âm Dương còn có thể ứng dụng chẩn đoán bệnh dựa vào bốn phương pháp khám bệnh, tám cương lĩnh đánh giá vị trị nông sâu của bệnh tật và dựa vào tứ chẩn.
Trước hết, dựa vào bốn phương pháp khám bệnh: Vọng (nhìn hoặc trông),Văn (nghe), Vấn (hỏi), Thiết (xem mạch) để khai thác các triệu chứng thuộc Hàn, Nhiệt, Hư hay Thực của các Tạng, Phủ và Kinh lạc.
Tiếp theo, dựa vào tám cương lĩnh để đánh giá vị trí nông sâu, tính chất, xu thế chung nhất của bệnh và trạng thải người bệnh (Biểu-Lý, Hư-Thực, Hàn-Nhiệt, Âm-Dương), trong đó Âm và Dương là hai cương lĩnh tổng quát.
Dựa vào tứ chẩn để khai thác triệu chứng và căn cứ vào Bát cương, bệnh tật được quy thành hội chứng thiên thắng hay thiên suy về Âm Dương của các Tạng, Phủ, Kinh lạc…
Ứng dụng trong điều trị bệnh
Điều trị bệnh là lập lại tình trạng quân bình Âm Dương, Khí Huyết. Có hai hướng điều trị chính là bổ (thêm vào) và tả (bớt đi). Nguyên tắc chữa bệnh của Y học Cổ truyền chính là lập lại sự cân bằng âm dương trong cơ thể. Nếu do một bên quá mạnh (Âm thịnh hoặc Dương thịnh) thì khi điều trị phải dùng phép Tả nghĩa là dùng thuốc có tính đối lập để xoá bỏ phần thừa.
Chính trị- phản trị: Chính trị (Nghịch trị): Dùng Nhiệt trị Hàn, dùng Hàn trị Nhiệt. Còn Phản trị (Tòng trị): Dùng Nhiệt trị Nhiệt, dùng Hàn trị Hàn.
Tuy nhiên, khi sự cân bằng Âm Dương trong cơ thể được phục hồi thì cần phải ngưng sử dụng thuốc tránh lạm dụng thuốc gây ra sự mất cân bằng mới.
Ngoài ra, khi dùng châm cứu trị bệnh: nguyên tắc “theo Dương dẫn Âm, theo Âm dẫn Dương”, bệnh thuộc Tạng (Âm) dùng các huyệt Du sau lưng (Dương), bệnh thuộc Phủ (Dương) dùng các huyệt Mộ trước ngực bụng (Âm).
Ứng dụng âm dương vào phân biệt dược liệu
Dược liệu có hai tính chất dược lý theo Y học Cổ truyền: Khí và Vị. Trong đó Khí nhẹ và đi lên thì thuộc Dương còn Vị nặng, đi xuống thì thuộc Âm. Tính của thuốc có 4 loại (tứ Khí): Nhiệt, Ôn (thuộc Dương) và Hàn, Lương (thuộc Âm). Vị của thuốc có 5 loại (Ngũ vị): Cay (thuộc Dương) với tính phát tán, đi ra ngoài. Còn chua, mặn, đắng (thuộc Âm) có tính thu vào, trầm, đi xuống.
Trong bào chế thuốc, các thầy thuốc Đông Y có thể biến đổi một phần tính dược bằng cách dùng phương pháp sao, tẩm hoặc dùng thuốc có tính đối lập để thay đổi tính dược.
Các Bác sĩ, Y sĩ đã áp dụng Học thuyết này vào điều trị bệnh bằng thuốc ở chỗ đem cái Tính VỊ Âm Dương của dược liệu điều chỉnh cái Âm Dương của con người đau bệnh. Ví dụ: Ôn, Nhiệt dược thuộc Dương chữa các chứng Hàn thuộc Âm; Hàn, Lương dược thuộc Âm chữa các chứng Nhiệt thuộc Dương.
Ứng dụng âm dương vào phòng bệnh
Trong lao động, đội ngũ Y tế có thể nhắc nhở mọi người khi làm việc thì trước hết phải khởi động từ từ (để Dương sinh), sau đó mới tăng dần cường độ lên (Dương trưởng), đến khi nghỉ ngơi cần giảm dần cường độ lao động (Dương tiêu) và chuyển sang nghỉ ngơi hoàn toàn (Âm trưởng).
Một số lời khuyên để mọi người đều có sức khoẻ tốt
Người ta thường nói cân bằng Âm Dương là bí quyết vàng cho sức khỏe tốt. Trong đó, người dân có thể chú ý đến hai vấn đề trong sinh hoạt hàng ngày là chế độ ăn uống và chế độ tập luyện.
Trước hết, về chế độ ăn uống.
Các loại thực phẩm cũng được chia thành thực phẩm có thuộc tính Âm và các thực phẩm có thuộc tính Dương. Thực phẩm thiên về Dương sẽ giúp cho cơ thể ấm nóng, hưng phấn còn thực phẩm thiên về Âm thì sẽ hàn lạnh, an thần. Do vậy khi dùng nhiều món thuộc dương sẽ khiến cơ thể bị kích thích quá mức, tăng huyết áp… Còn dùng nhiều thức ăn thuộc Âm sẽ dễ bị rối loạn tiêu hoá, đầy bụng, khó tiêu.
Do vậy, cần chọn món ăn phù hợp với cơ thể giúp điều hoà khí huyết, cân bằng Âm Dương.
Ngoài việc cân bằng Âm Dương trong bữa ăn, người dân cũng nên có chế độ tập luyện phù hợp. Dựa trên phân chia cấu tạo cơ thể như đã phân tích ở trên, người dân nên có chế độ tập luyện toàn diện để có được sức khoẻ tốt nhất.
Ngoài ra để có tinh thần thoải mái, người dân cần chú ý những điểm sau: Dương sinh dương sẽ làm cho cơn nóng giận sinh cơn nóng giận tức tối khác, khi đó cần Âm hoá bằng những tư tưởng và hành động Âm như nghĩ đến sự yên tĩnh hoặc dùng lời nói nhẹ nhàng hay có thể là đến những nơi yên tĩnh.
Trong trường hợp, Âm sinh âm, sự chán nản, buồn phiền sẽ dẫn đến chán nản buồn phiền khác. Vì thế cần dương hoá chúng bằng những tư tưởng và hành động mang tính dương như hoạt động tích cực, hăng say hoặc dùng những lời nói quyết đoán, phấn khởi hoặc đến những nơi sinh hoạt đông đúc.
Ngoài ra, có thể dựa vào ngũ hành vận khí để biết được đặc điểm của bệnh tật từng năm để dự phòng. Ví dụ: Năm hoả thái quá, bệnh sốt nhiệt nhiều, bệnh viêm nhiễm nhiều….cần tăng cường cách phòng chống nhiệt như ăn nhiều thức ăn mát, ở chỗ thoáng…
Kết luận
Sự vận dụng Học thuyết Âm Dương là một tất yếu khách quan. Sự vận dụng này sẽ giúp cho Y học phát triển theo khuynh hướng duy vật. Mặc khác cũng làm cho nền Y học có cơ sở để xây dựng một hệ thống lý luận nhất quán, nâng cao khả năng chữa bệnh của các thầy thuốc trong thực tiễn lâm sàng.
Tuy nhiên, Học thuyết Âm Dương không chỉ giúp phân tích nguyên nhân gây bệnh và điều trị bệnh mà còn hỗ trợ trong việc xây dựng một lối sống lành mạnh, cân bằng, hướng tới việc phòng ngừa bệnh tật và duy trì sức khỏe tổng thể.