Sự kết hợp khéo léo Y học dân tộc và Y học hiện đại của Y học Cổ truyền đã và đang thu hút đông đảo sự quan tâm của người học. Tuy nhiên, để theo học ngành này cũng có nhiều khó khăn và thuận lợi, vậy để khắc phục khó khăn phát huy thuận lợi thì sinh viên cần những đức tính gì? Bài viết dưới đây sẽ gợi mở câu trả lời và cung cấp thêm các thông tin hữu ích cho các bạn trẻ.
Những thuận lợi và khó khăn khi học ngành Y học Cổ truyền
Ngành nghề nào cũng sẽ có những thuận lợi và khó khăn nhất định, ngành Y học Cổ truyền cũng không ngoại lệ.
Trước hết về thuận lợi của sinh viên khi theo học Y học Cổ truyền
Nhu cầu khám chữa bệnh bằng Y học Cổ truyền đang là xu hướng của TK XXI. Chính nhu cầu này tạo ra cơ hội việc làm ổn định và rộng mở cho sinh viên. sinh viên khi tốt nghiệp đáp ứng đủ chuyên môn có thể làm việc tại các bệnh viện, các khoa chuyên ngành, các cơ sở chăm sóc và điều trị, các cơ sở đào tạo… với các vị trí như khám và kê đơn thuốc, bào chế dược liệu, bốc thuốc và kinh doanh thuốc Y học Cổ truyền…
Y học Cổ truyền Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa cộng đồng các dân tộc, gắn liền với kinh nghiệm phòng bệnh, chữa bệnh có lịch sử lâu đời, có nguồn dược liệu phong phú đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người Việt Nam. Với nguồn dược liệu phong phú và dồi dào đó sẽ tăng cường khả năng tiếp cận của sinh viên đối với các bài thuốc, các sinh viên có thêm nhiều cơ hội thực hành hơn.
Hơn nữa, Việt Nam là một nước có nền Y dược Cổ truyền lâu đời, các danh y nổi tiếng đã để lại cho thế hệ ngày nay nhiều tư liệu, kinh nghiệm khám chữa bệnh quý báu. Đây là tài liệu tham khảo vô giá và vô cùng phong phú cho các sinh viên theo học ngành Y học Cổ truyền.
Thêm vào đó, theo học ngành này, các sinh viên sẽ được đào tạo và hướng dẫn bởi đội ngũ giảng viên nhiều năm kinh nghiệm, đã có thâm niên trong công tác khám chữa bệnh các các kỹ năng các cách kết hợp giữa các bài vị thuốc tại các bệnh viện. Từ đó, sinh viên sẽ học hỏi được nhiều kiến thức cũng như nhiều bài học quý báu, kinh nghiệm thực chiến của những người đi trước.
Tiếp theo về những khó khăn sinh viên có thể gặp phải khi theo học Y học Cổ truyền
Về khối lượng kiến thức:
Giống như tất cả các chuyên ngành Y khác thì kiến thức của Y học Cổ truyền cũng là vô tận. Do đó, ngoài việc tiếp cận kiến thức trên giảng đường, người học cần phải dành thời gian để học thêm các tài liệu tham khảo như các đầu sách, các tài liệu nước ngoài, các công bố quốc tế…
Về tài liệu tham khảo, đa phần các cuốn sách các tài liệu tham khảo đều bằng Tiếng Trung và Tiếng Anh vì đa số những tài liệu về ngành đều là những tài liệu cổ xưa, ngôn ngữ được sử dụng chính là Hán Việt. Vì vậy, sinh viên cần có nền tảng và trau dồi về ngoại ngữ để có thể dễ dàng học tập cũng như làm phong phú sự hiểu biết của bản thân.
Về lịch thực tập:
Bất kể ngành nghề nào sinh viên cũng phải dành thời gian thực tập để trau dồi kinh nghiệm, Tuy nhiên, đối với ngành Y học Cổ truyền bắt buộc thời gian thực tập lâu dài và liên tục. Vì thế, sinh viên cần có sức khỏe và tinh thần để đối mặt với các tình huống có thể xảy ra đối với người bệnh.
Những đức tính cần có của sinh viên theo học ngành Y học Cổ truyền
Để có thể theo học một cách hiệu quả cũng như phát huy tiềm năng của ngành Y học Cổ truyền, sinh viên cần có và rèn luyện các đức tính như lòng nhân hậu, lòng thương người; sự kiên trì, nhẫn lại; tính cẩn thận, tỉ mỉ; khả năng phán đoán, nhạy bén…
Lòng nhân hậu, lòng thương người
Lòng nhân hậu chính là tấm lòng yêu thương, luôn sẻ chia và cảm thông với mọi người xung quanh. Theo đó, lòng nhân hậu, thương người là đức tính có thể xem là quan trọng nhất trong các đức tính tạo nên một cán bộ Y tế giỏi. Bởi họ giữ trên tay tính mạng và sức khỏe của người bệnh, phải có lòng thương người thì đội ngũ Y tế mới có thể dành cả tâm huyết của mình để khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Vì vậy, sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần thấm nhuần “Y đức” và luôn ghi nhớ thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”.
Sự kiên trì, nhẫn lại
Chữ “nhẫn” ở đây cần được áp dụng trong cả việc học tập và trong quá trình làm việc. Trong quá trình học tập, sinh viên cần kiên trì học hỏi, bởi lượng kiến thức phải tiếp thu quá lớn. Sau khi tốt nghiệp, làm việc tại các cơ sở y tế, mỗi ngày mỗi cán bộ phải tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân. Trong khi bệnh nhân đang phải chịu những đau đớn về thể xác, dày vò về tinh thần nên hầu hết bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều dễ nổi nóng. Lúc này, cán bộ Y tế cần nhẫn lại truyền đại thông tin, khiến cho bệnh nhân tiếp thu một cách có hiệu quả.
Bởi vậy Chữ “nhẫn” được đánh giá cao như một đức tính quý . Chữ “nhẫn” không bao giờ được bỏ bê, nếu để cái tôi trong giây lát cao hơn thân phận phục vụ thì đội ngũ y bác sĩ sẽ phải ân hận và trả giá cho việc làm đó.
Tính cẩn thận, tỉ mỉ
Đây là tố chất rất cần có trong khám, chữa bệnh bằng Y học Cổ truyền đặc biệt là trong bốc thuốc và bào chế thuốc.
Trong y học cổ truyền có nhiều vị thuốc dễ gây ngộ độc, nôn… nếu bào chế không kỹ như bán hạ, phụ tử… Vị thuốc tỳ bà diệp (lá nhót) khi bào chế phải làm sạch các lông tơ, nếu không có thể gây ngứa họng, ho, viêm niêm mạc họng. Việc bào chế có thể làm tăng tác dụng hoặc giảm bớt độc tính của thuốc. Nếu bào chế không tốt, độc tính của thuốc chưa được loại trừ, khi dùng có thể gây phản ứng đáng tiếc. Do vậy, bên cạnh chuyên môn thì việc bào chế thuốc còn yêu cần sự tập trung, cẩn thận tỉ mỉ.
Tính cẩn thận và tỉ mỉ cũng rất quan trọng đối với người học Y học Cổ truyền. Sinh viên cần nhớ mỗi huyệt đạo hay một vị thuốc của một bài thuốc chỉ cần nhầm lẫn nhỏ thôi cũng sẽ gây nguy hại rất lớn cho tính mạng con người.
Như vậy, với đặc thù công việc liên quan đến tính mạng của mỗi con người nên đòi hỏi một bác sĩ Y học Cổ truyền giỏi phải hết sức cẩn thận, cân nhắc kỹ lưỡng trong từng đơn thuốc mà mình đưa ra.
Khả năng phán đoán tốt và có sự nhạy bén
Đây là tố chất quan trọng mà một bác sĩ Y học Cổ truyền nói riêng và tất cả các cán bộ y tế liên quan nói chung cần phải có. Trong Y học Cổ truyền, để trở thành một bác sĩ giỏi cần phải biết cách quan sát, phán đoán tốt, nắm bắt được vấn đề và nhạy bén xử lý trong mọi trường hợp.
Từ đó các cán bộ có thể xử lý các tình huống phát sinh một cách nhanh chóng và phù hợp nhất. Không những thế, khả năng này còn giúp cho các lương y chẩn đoán một cách chính xác và nhạy bén trước mọi trường hợp bệnh tật. Việc chẩn đoán đúng bệnh cho đúng người sẽ giúp tăng thêm nhiều cơ hội chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân của mình.
Kết luận:
Làm trong ngành Y tế, đội ngũ cán bộ luôn mang trên vai trọng trách cứu chữa cho các bệnh nhân, vì vậy những đức tính kể trên luôn cần thiết trong quá trình học tập cũng như làm nghề của mỗi người.
Khi đã biết rõ những thuận lợi, khó khăn khi theo học Y học Cổ truyền là gì và những tố chất cần có trong ngành thì các sinh viên có thể xác định được bản thân có đủ đam mê và nhiệt huyết để theo đuổi ngành này hay không. Sinh viên đủ đam mê đủ nhiệt huyết cần tìm môi trường tốt để học tập và rèn luyện những kiến thức và kỹ năng cũng như tiếp thêm lửa nhiệt huyết.