Cơ hội, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên ngành Y học Cổ truyền hệ Cao đẳng

Học Y học Cổ truyền hệ Cao đẳng không chỉ giúp sinh viên tích lũy kiến thức về ngành Y học kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, mà còn mang đến nhiều cơ hội cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho người đọc cái nhìn toàn diện về cơ hội nghề nghiệp của sinh viên ngành hệ Cao đẳng sau khi tốt nghiệp.

Ngành Y học Cổ truyền là gì?

Để làm rõ được định hướng nghề nghiệp của sinh viên, trước hết chúng ta cần tìm hiểu về ngành học thú vị này.

Nền y học cổ truyền Việt Nam được bắt nguồn từ nền y học dân gian phong phú, được đúc kết qua nhiều thế hệ trở thành lý luận. Đồng thời, các lý luận triết học cũng được các nhà y học cổ phương Đông vận dùng từ phòng bệnh đến chẩn trị, bào chế thuốc men. Từ đó, nó có nền tảng lý luận vững chắc được ghi chép bằng văn bản và cứ như vậy được bổ sung thêm. Như vậy, Y học Việt Nam chính là thừa hưởng vốn quý nền y học lâu đời của dân tộc cộng thêm sự kết hợp khéo léo thành tựu y học hiện đại của thế giới, điều này đã tạo nên tính sáng tạo, phong phú của nền y học nước nhà.

Ngày nay, Y học Cổ truyền ngày càng thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ, trở thành ngành học phổ biến trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Ngành học này thu hút sự chú ý của sinh viên bởi nó gắn kết văn hoá truyền thống quý giá của ông cha ta và cơ hội việc làm thì ngày càng rộng mở.

Theo đó, ngành Y học Cổ truyền hệ Cao đẳng là ngành đào tạo dựa trên nền tảng của triết học và những kiến thức y học đúc kết từ kinh nghiệm của nhiều thế hệ y gia phương đông, được các danh y trong nước lưu truyền và phát triển.

Tầm quan trọng của Y học Cổ truyền trong hệ thống chăm sóc sức khỏe

Vai trò và sự hiệu quả của Y học Cổ truyền trong hệ thống y tế là không thể phủ nhận bởi ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng rộng rãi trong khám chữa bệnh mà còn để phòng bệnh, phục hồi chức năng và nâng cao sức khoẻ.

Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã thông qua Sách yếu lược toàn cầu phiên bản thứ XI có tên là Phân loại thống kê bệnh tật và các vấn đề sức khỏe liên quan (ICD) vào tháng 05 năm 2019, trong đó dành hẳn một chương cho Y học Cổ truyền. Mặc dù việc này nhận được nhiều luồng ý kiến, tuy nhiên cũng thấy được tầm quan trọng đặc biệt của ngành trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.

 Với chỗ đứng quan trọng như vậy, ngành Y học Cổ truyền đã được Đảng và Nhà nước không ngừng nỗ lực đầu tư và phát triển. Từ đó, cơ hội việc làm cho sinh viên của được mở rộng hơn.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Y học Cổ truyền hệ Cao đẳng ra làm gì và làm ở đâu?

Vị trí việc làm

Căn cứ theo Thông tư số 54/2018/TT-BLĐTBXH, sinh viên sau khi tốt nghiệp hệ Cao đẳng ngành Y học Cổ truyền có thể làm những công việc chuyên môn liên quan như khám và kê đơn thuốc, bốc thuốc Đông Y, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, hướng dẫn tập dưỡng sinh, bào chế dược liệu, kinh doanh thuốc Đông Y, thực hành chuyên môn tại trạm y tế phường/xã hay các phòng chẩn trị liên quan…

Làm việc tại vị trí khám và kê đơn thuốc Y học Cổ truyền

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng, các y sĩ ngành này có thể giữ vai trò hỗ trợ bác sĩ trong việc khám bệnh Đông Y trong đó có chẩn đoán Y học Cổ truyền (thông qua phương pháp vọng chẩn, văn chẩn, vấn chẩn, thiết chẩn) và điều trị Y học Cổ truyền (thông qua châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, dùng thuốc uống hoặc dùng thuốc ngoài da…).

Ngoài ra, theo Thông tư số 44/2018/TT-BYT, Y sĩ là một trong số những đội ngủ được phép kê đơn thuốc thang, thuốc thành phẩm, thuốc dược liệu…

Phòng bốc thuốc tại Viện Y dược dân tộc TPHCM
Phòng bốc thuốc tại Viện Y dược dân tộc TPHCM

Làm việc tại vị trí bốc thuốc Y học Cổ truyền

Không chỉ được kê đơn thuốc, sinh viên tốt nghiệp đủ năng lực có thể đảm nhiệm công việc bốc thuốc. Sinh viên có thể vận dụng các kiến thức, kinh nghiệm vào tìm thuốc thông qua căn cứ mùi vị, màu sắc mà xét xem vị thuốc này có tác dụng lên bộ phận nào của cơ thể. Ví dụ, muốn thuốc có tác dụng vào thận thì thường chế với đậu đen hoặc tẩm muối vì màu đen và vị mặn thuộc hành Thuỷ và thận cũng thuộc hành này.

Làm việc tại vị trí bào chế dược liệu

Các y sĩ hệ Cao đẳng ngành Y dược Cổ truyền hoàn toàn có thể đảm nhiệm việc bào chế và chế biến thuốc cổ truyền. Phương pháp bào chế và chế biến thuốc đang trở thành xu hướng phát triển mạnh không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở thế giới. Do vậy, khi có kinh nghiệm dày dặn, cơ hội việc làm này sẵn sàng mở ra cho người học tốt nghiệp Y học Cổ truyền hệ Cao đẳng.

Làm việc tại vị trí kinh doanh thuốc Y học Cổ truyền

Sau khi ra trường, sinh viên yêu thích công việc kinh doanh có thể kinh doanh thuốc Đông Y cả bán lẻ và bán buôn. Tuy nhiên, cần phải đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở kinh doanh và chứng chỉ hành nghề theo Pháp luật quy định.

Địa điểm làm việc

Với những vị trí việc làm nêu trên, sinh viên của ngành có cơ hội làm việc tại các bệnh viện lớn nhỏ, các cơ sở chăm sóc- điều trị, tại các trường các khoa liên quan hoặc tự mở phòng khám riêng.

Làm việc tại bệnh viện và các khoa chuyên ngành

Hiện nay, Việt Nam có nhiều bệnh viện chuyên về Y học Cổ truyền tốt, trong đó ở Hà Nội có Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội…

Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Ương- một trong những bệnh viện tốt về khám chữa bệnh bằng phương pháp Y học Cổ truyền
Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Ương- một trong những bệnh viện tốt về khám chữa bệnh bằng phương pháp Y học Cổ truyền

Với các vị trí việc làm nêu trên cộng thêm năng lực của sinh viên không ngừng được nâng cao, các bạn trẻ sau khi ra trường hoàn toàn có khả năng làm việc tại các Bệnh viện đầu ngành.

Ngoài ra, Đảng và Nhà nước ta cũng đặt mục tiêu bệnh viện trên toàn quốc phải có một khoa Y dược Cổ truyền để các cấp, các khu vực nông thôn và xa xôi cũng đảm bảo được tiếp cận dịch vụ y tế này. Do vậy, sinh viên ra trường muốn làm việc đúng ngành tại địa phương là điều hết sức thuận lợi.

Làm việc tại các cơ sở chăm sóc và điều trị

Ngoài các bệnh viện, các khoa chuyên ngành, các trạm y tế; với kiến thức được trang bị cùng việc thực tập ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường có thể làm việc tại các cơ sở tư nhân với các vị trí công việc như châm cứu, bấm huyệt, bào chế dược liệu, bốc thuốc Y học Cổ truyền… Làm việc tại các cơ sở như vậy có thể mang đến mức thu nhập cực kỳ hấp dẫn cho sinh viên.

Làm việc tại các cơ sở đào tạo

Rất nhiều sinh viên muốn ở lại trường công tác hoặc công tác tại các cơ sở đào tạo khác vì tìm thấy niềm đam mê khi chia sẻ kiến thức với những người đi sau. Hay thậm chí nhiều bạn sinh viên muốn trở thành nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Điều này hoàn toàn có thể, tuy nhiên để làm việc tại vị trí Giảng viên, Trợ giảng cần đáp ứng các yêu cầu về trình độ sư phạm, chuyên môn và kinh nghiệm thực chiến. Vì vậy, sẽ đòi hỏi sự phấn đấu cũng như tiếp tục sự nghiệp học lên cao của các bạn sinh viên.

Mở phòng khám, nhà thuốc riêng

Như đã phân tích ở trên, các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp có thể mở phòng khám, nhà thuốc riêng, thậm chí kinh doanh các dịch vụ liên quan như xoa bóp, bấm huyệt… Tuy nhiên cần đáp ứng các điều kiện về cơ sở và chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.

Mức lương của người làm trong ngành Y học Cổ truyền

Thực tế, mức lương cao hay thấp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến là trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, cơ quan làm việc…

Xếp lương của viên chức là Y, Bác sĩ được quy định cụ thể tại Điều 13 Thông tư liên tịch số 10 như sau:

–   Bác sĩ cao cấp, bác sĩ y học dự phòng cao cấp: Xếp lương như viên chức loại A3, nhóm A3.1, có hệ số lương từ 6,2 – 8,0.

–   Bác sĩ chính, bác sĩ y học dự phòng chính: Xếp lương như viên chức loại A2, nhóm A2.1, có hệ số lương từ 4,4 đến 6,78.

–   Bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng: Xếp lương như viên chức loại A1, hệ số lương từ 2,34 – 4,98.

–   Y sĩ: Xếp lương như viên chức loại B, hệ số lương từ 1,86 – 4,06

Mức lương ngành Y đối với bác sĩ viên chức sẽ được tính theo công thức:

Lương = Hệ số lương*Mức lương cơ sở

Trong đó: Hệ số lương được xác định tùy thuộc vào từng chức danh như nêu trên. Còn mức lương cơ sở từ 01/07/2023 sẽ được tính là 1.8 triệu đồng/tháng.

Như vậy, Y sĩ có thể nhận mức lương từ 3 – 7 triệu/ tháng. Bác sĩ cao cấp- Bác sĩ y dự phòng cao cấp có mức lương từ 11 triệu – 14 triệu/ tháng. Bác sĩ chính- Bác sĩ y dự phòng chính có thể nhận 7 triệu – 12 triệu/ tháng. Bác sĩ dự phòng- Bác sĩ y dự phòng có thể nhận 4 – 9 triệu/ tháng, tuỳ từng bậc.

Bên cạnh lương cơ bản thì các Y sĩ, Bác sĩ Y học Cổ truyền còn được hưởng các khoản trợ cấp khác theo quy định.

Đối với Y sĩ, Bác sĩ làm việc tại cơ sở y tế ngoài công lập sẽ có mức lương dao động từ 8 – 20 triệu/ tháng.

Bên cạnh đó, các Bác sĩ mở thêm các phòng khám riêng thì sẽ có mức thu nhập ổn định và thậm chí là cao hơn nhiều so với việc làm tại các Bệnh viện, các Khoa chuyên ngành.

Kết luận

Với tinh hoa Đông- Tây kết hợp của ngành Y học Cổ truyền cũng như việc ngành được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển, sinh viên sau khi tốt nghiệp hệ Cao đẳng của ngành có cơ hội việc rất đa dạng với mức thu nhập tốt. Tuy nhiên, sinh viên cần không ngừng nỗ lực tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực bản thân để đạt được các mục tiêu trong sự nghiệp của mình.