Bấm huyệt là một phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh với sự chỉ đạo của lý luận Y học Cổ truyền. Để có thể bấm huyệt hiệu quả cần xác định đúng vị trí các huyệt đạo, công dụng và cách bấm huyệt. Do vậy, bài viết dưới đây sẽ làm rõ vị trí các huyệt trong cơ thể của con người và công dụng của nó.
Huyệt là gì?
Huyệt là chỗ quy tụ thần khí của tạng phủ, kinh lạc, cân cơ xương khớp. Nó nằm cố định ở một vị trí và phân bố lan rộng khăps cơ thể người. Theo quan niệm của Y học Cổ truyền, huyệt có mối quan hệ mật thiết với kinh lạc và tạng phủ, có thể nằm hoặc không nằm trên kinh mạch. Mỗi vị trí sẽ có tên gọi khác nhau. Huyệt cũng được coi là nơi xâm lấn của nhiều tác nhân gây bệnh nếu hệ miễn dịch giảm thì dễ bị tà khí vào huyệt rồi đi vào cơ thể.
Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, Báo cáo Danh mục châm cứu bấm huyệt Tiêu chuẩn quốc tế năm 1991, có 361 huyệt đạo truyền thống trên cơ thể người. Các huyệt này sẽ nằm trên 12 đường kinh chính và 8 mạch kỳ kinh.
Một số huyệt đạo thường dùng trong Y học Cổ truyền
Để tối ưu hoá những tác dụng và hạn chế những rủi ro trong bấm huyệt, châm cứu; người hành nghề cần phải xác định được đúng vị trí bản đồ các huyệt trên cơ thể và hiểu được mỗi loại huyệt có tác dụng gì để thực hiện phương pháp bấm huyệt, châm cứu cho phù hợp.
Như đã nêu trên, cơ thể con người có rất nhiều huyệt đạo, tuy nhiên, bài viết này sẽ làm rõ một số huyệt đào phổ biến nhất hay được dùng trong điều trị bệnh.
Dương Bạch (Kinh Đởm) nằm ở vị trí trên cơ trán tính từ điểm giữa cung lông mày đi lên. Huyệt có tác dụng điều trị nhức đầu, liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, viêm tuyến lệ, lẹo, chắp, hoa mắt, chóng mặt, rối loạn tiền đình…
Cách thực hiện:
Trong bấm huyệt, sau khi xác định đúng vị trí, dùng ngón cái và ngón trỏ nhéo lông màu 2 bên 5 lần. Sau đó dùng ngón trỏ day đều 2 bên huyệt thời gian khoảng 30 giây. Thực hiện 2 ngày trở lên để đạt hiệu quả
Trong châm cứu, thực hiện luồn kim dưới da, mũi kim hướng thẳng xuống dưới. châm 0,3-0,5 thốn. Châm cứu xuyên thấu Ngư Yên, Ty Trúc Không hoặc Toàn Trúc. Châm cứu 1-3 tháng và thời gian thực hiện từ 3-5 phút.
Ấn Đường (Ngoài Kinh) nằm ở giữa đầu của 2 cung lông mày. Có tác dụng chữa sốt cao, nhức đầu, chảy máu cam, xoang trán.
Cách thực hiện bấm huyệt: dùng ngón tay cái day ấn hoặc gõ Ấn Đường huyệt trong 1-3 phút; dùng 2 ngón tay cái ấn huyệt và vuốt từ từ sang hai bên thái dương trong 30 lần; dùng ngón trỏ và ngón cái tay phải bấu lên vùng da ở vị trí huyệt Ấn Đường, nhéo mạnh lên khoảng 50 cái, mỗi ngày 2 lần. Hoặc đưa bàn tay ra tước mũi, nghiêng đầu ra phía trước và dùng ngón tay giữa day ấn huyệt Ấn Đường, giữ nguyên tư thế trong 5 phút.
Nghinh hương (Đại Trường Kinh) nằm trên khuôn mặt, sát hai bên cánh mũi và cách cánh mũi khoảng nửa thống (0,8cm). Huyệt này nằm trên điểm giao nhau giữa đường ngang qua chân mũi với rãnh mũi và miệng. Có tác dụng điều trị ngứa mũi, viêm mũi dị ứng, ngạt mũi, sổ mũi, viêm xoang, sưng phù, liệt mặt…
Cách điều trị nghẹt mũi, viêm mũi dị ứng bằng bấm huyệt Nghinh Hương: Bước đầu tiên cần làm là xác định đúng vị trí huyệt Nghinh Hương. Sau đó dùng ngón tay xoa, ấn nhẹ lên vùng huyệt. Xoa bên trái nếu bị nghẹt mũi trái, xoa bên phải nếu nghẹt mũi phải. Thực hiện động tác này mỗi ngày 5 lần, mỗi lần kéo dài trong 3-4 phút. Thực hiện bấm huyệt Nghinh Hương hàng ngày để đem lại hiệu quả cao.
Hoàn khiêu (Đởm Kinh) nằm ở vùng mông, để người bệnh nằm với tư thế nghiêng người, cho chân trên, duỗi thẳng thân dưới, tại đoạn nối mấu chuyển xương đùi và khe xương cùng ở vị trí 1/3 ngoài là vị trí của huyệt hoặc tư thế nằm sấp, gập chân vào chạm mông, gót chân chạm vào vị trí nào ở mông thì đó là vị trí của huyệt. Có tác dụng thông kinh lạc, điều trị đau khớp háng, đau dây thần kinh tọa, liệt chi dưới.
Cách bấm huyệt tác động vào Hoàn Khiêu: xác định vị trí huyệt, dùng ngón tay ấn vào huyệt với lực vừa phải. Khi vừa bấm vào huyệt sẽ có cảm giác hơi tê bì phần mông và chân, sau 1 phút cảm giác sẽ mất dần. Thời gian bấm huyệt kéo dài từ 2-3 phút và thực hiện hàng ngày đến khi bệnh tình thuyên giảm.
Huyết hải (Kinh Tỳ) nằm ở vị trí là từ điểm giữa bờ trên xương bánh chè đo lên một thốn, rồi đo vào trong hai thốn. Huyệt được sử dụng trong điều trị đau khớp gối, đau dây thần kinh đùi, rối loạn kinh nguyệt, dị ứng, xung huyết.
Cách thực hiện:
Bấm huyệt huyết hải: Xác định vị trí của huyệt, xoa bóp huyệt hai bên, mỗi bên khoảng 3 phút với lực vừa phải, ấn liên tục đến khi thấy hơi đau thì dừng lại.
Châm cứu huyệt huyết hải: Châm kim vào huyệt huyết hải theo phương thẳng đứng, độ sâu khoảng 2cm, cứu 3 mồi hoặc có thể hơ 5 phút.
Độc tỵ (Kinh Vị) nằm ở chỗ lõm bờ dưới ngoài xương bánh chè. Được dùng trong điều trị đau khớp gối.
Cách thực hiện châm cứu huyệt: Châm kim hướng về phía trong và giữa đầu gối, sâu từ 1 – 1.5 thốn cứu 5 – 7 tráng, ôn cứu trong khoảng 5 – 10 phút. Ngoài ra, có thể châm kim luồn dưới gân giữa bánh chè thông sang huyệt Tất Nhân. Cứu 3 mồi, hoặc hơ 5 – 10 phút.
Cách bấm huyệt:
Bước 1: Cho bệnh nhân ngồi sao cho chân vuông góc để dễ xác định vị trí huyệt Độc Tỵ nằm ở chỗ lõm bờ ngoài xương bánh chè.
Bước 2: Sử dụng ngón tay giữa, hoặc ngón tay cái bấm day với lực từ nhẹ đến mạnh trong khoảng 1 – 2 phút. Bạn có thể bấm đồng thời cả hai bên, hoặc có thể day thành hình tròn ngược chiều kim đồng hồ trong khoảng 1 – 2 phút. Khu vực đau nhiều sẽ cần ấn day nhiều hơn.
Xích trạch (Phế kinh) nằm trên rãnh nhị đầu ngoài, bên ngoài gân cơ nhị đầu, bên trong cơ ngửa dài, huyệt ở trên đường ngang nếp khuỷu. Sử dụng trong chữa ho, sốt, viêm họng, cơn hen phế quản, sốt cao co giật ở trẻ em.
Cách thực hiện bấm huyệt: xác định vị trí chính xác sau đó đặt ngón tay cái lên huyệt. Tiến hành day và ấn vào huyệt theo hình tròn với lực vừa phải, thực hiện trong 2-3 phút. Để cải thiện sức khỏe đáng kể, bệnh nhân cần thực hiện nhiều lần và đều đặn mỗi ngày.
Trung phủ (Kinh Phế)nằm ở khoang liên sườn II trên dãy Delta ngực, được ứng dụng trong điều trị viêm phế quản, ho, hen, đau vai gáy…
Cách thực hiện bấm huyệt: dùng đầu móng tay của ngón cái ấn mạnh vào huyệt (đốt một và hai của ngón tay cái vuông góc với nhau) tăng dần cho đến khi người bệnh cảm thấy căng tức nặng thì dừng lại.
Công dụng của bấm huyệt, châm cứu
Bấm huyệt, Châm cứu là những phương pháp điều trị không dùng thuốc phổ biến trong Y học Cổ truyền. Phương pháp này mang lại hiệu quả cho người bệnh mà không lo tác dụng phụ của thuốc Tây. Các công dụng cụ thể như:
Làm giảm cơn đau mãn tính: đây là công dụng mà bệnh nhân có thể cảm nhận ngay từ lần trị liệu đầu tiên; các cơn đau như cơn đau dai dẳng, đau đầu, đau lưng, đau vai gáy… sẽ giảm đáng kể.
Cải thiện chức năng tiêu hoá: châm cứu và bấm huyệt giúp tăng cường nhu động ruột và cải thiện chức năng tiêu hoá, tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng…
Cải thiện tuần hoàn máu: châm cứu và bấm huyệt giúp cải thiện lưu thông máu và dưỡng chất đến các vùng cơ thể, từ đó giúp tăng cường sức khoẻ và thúc đẩy quá trình hồi phục của cơ thể đặc biệt ở những người bệnh sau đột quỵ.
Giúp thư giãn và giảm căng thẳng, hệ thần kinh làm việc tốt hơn: châm cứu và bấm huyệt giúp thư giãn, giảm lo âu, cải thiện tâm lý và cân bằng cảm xúc, từ đó giảm các bệnh đau đầu và mất ngủ…
Trên đây là 8 huyệt đạo phổ biến, ngoài ra còn có rất nhiều huyệt đạo hay dùng khác. Mỗi huyệt đạo lại có những công dụng chữa trị khác nhau. Nhờ việc xác định đúng huyệt đạo này sẽ giúp cho việc bấm huyệt, châm cứu trở nên hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, có lưu ý đó là không được lạm dụng quá mức châm cứu, bấm huyệt. Các trường hợp không áp dụng được phương pháp này là bệnh nhân chấn thương cả vết thương kín và hở (tổn thương ở cơ, xương, khớp), vùng bị viêm nhiễm tấy đỏ hoặc lở loét hoặc các chứng bệnh ngoại khoa như viêm ruột thừa, thủng dạ dày, viêm vòi trứng vỡ…