Y học Cổ truyền và Y sĩ đa khoa hệ Cao đẳng đều đang được nhiều sinh viên lựa chọn. Với bản chất đặc thù của mỗi ngành thì lựa chọn ngành nào để có một tương lai tốt đẹp là điều mà nhiều bạn trẻ đang băn khoăn. Để có thể giúp sinh viên lựa chọn ngành phù hợp, hãy cùng HMC tìm hiểu sự khác nhau giữa Y sĩ Y học Cổ truyền và Y sĩ đa khoa thông qua bài viết dưới đây.
Y học Cổ truyền là gì? Y sĩ đa khoa là gì?
Y học Cổ truyền được biết là một ngành thuộc Đông Y và có lịch sử lâu đời. Theo các ghi chép lịch sử xa xưa, nền Y học này xuất phát từ nền Y học của phương Đông và được xem là một thuật ngữ để phân biệt với nền Tây y học hiện đại ngày nay. Một số bậc thầy trứ danh trong ngành nghề Y học của Việt Nam từ thuở xa xưa có thể kể đến như danh Y Hải Thượng Lãn Ông và Tuệ Tĩnh.
Còn Y sĩ đa khoa là một ngành thuộc Y học hiện đại. Ngành Y sĩ đa khoa là ngành nghề đào tạo các Y sĩ thực hiện các nhiệm vụ trên ở nhiều chuyên khoa khác nhau như Tim mạch, Nội- Ngoại khoa, Tiết niệu, Tiêu hoá, Sinh sản…
Điểm giống nhau giữa Y sĩ Y học Cổ truyền và Y sĩ đa khoa
Điểm chung nhất là cả hai đều có mục tiêu chung là vì người bệnh. Y sĩ Y học Cổ truyền và Y sĩ đa khoa đều được đào tạo để có thể chẩn đoán nguyên nhân bệnh, phương pháp điều trị bệnh, tư vấn về chế độ ăn uống và lối sống… Cả hai đội ngũ và hai nền Y học đều quan trọng đối với người bệnh, để cơ thể người bệnh có thể tồn tại và phát triển đó chính là cân phải duy trì sự cân bằng nội môi.
Trong đó cả Y sĩ đa khoa và Y sĩ Y học Cổ truyền đều được phép kê đơn thuốc cho người bệnh, tuy nhiên việc kê đơn thuốc phải phù hợp với quy định của pháp luật. Về quy định chung về kê đơn thuốc như sau:
– Chữ viết rõ ràng, chính xác và ghi đủ theo các mục in trong đơn thuốc hoặc trong sổ khám bệnh của người bệnh hoặc tại tờ phơi điều trị trong hồ sơ bệnh án;
– Ghi chính xác địa chỉ nơi người bệnh đang cư trú theo quy định hành chính về địa danh: Số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn, ấp, bản, xã, phường, thị trấn;
– Đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi và ghi thêm tên bố hoặc mẹ của trẻ;
– Trường hợp có sửa chữa đơn thuốc thì người kê đơn phải ký, ghi rõ họ tên, ngày, tháng bên cạnh nội dung sửa;
– Gạch chéo phần giấy còn trống từ phía dưới nội dung kê đơn đến phía trên chữ ký của người kê đơn; ký, ghi rõ họ tên người kê đơn.
Điểm khác nhau giữa Y sĩ Y học Cổ truyền và Y sĩ đa khoa
Về chương trình học:
– Ngành Y học Cổ truyền sẽ được đào tạo các kiến thức cơ sở của Y học hiện đại như bệnh học đại cương… và các kiến thức chuyên sâu về Y học Cổ truyền như Dược học Cổ truyền, Thực vật dược, Dược lâm sàng, Chế biến dược liệu, Dưỡng sinh, Châm cứu…
– Ngành Y sĩ đa khoa chủ yếu học về Y học hiện đại như Bệnh học chuyên khoa Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Truyền nhiễm, Phục hồi chức năng, Y tế cộng đồng, Giải phẫu, Kỹ thuật điều dưỡng, Vi sinh – Ký sinh trùng, Dược lý…
Về chẩn đoán bệnh:
– Y sĩ Y học Cổ truyền dựa vào tri thức truyền lại của nhiều thế hệ, áp dụng phương pháp chữa bệnh truyền thống và tự nhiên.
Sử dụng các phương pháp: sau khi thăm khám thông qua Tứ chẩn, Y sĩ Y học Cổ truyền sẽ thông qua chẩn đoán Bát Cương, chẩn đoán Tạng Phủ, chẩn đoán bệnh danh… để kiểm tra và chẩn đoán bệnh tật.
– Y sĩ đa khoa dựa vào sự tiến bộ của khoa học công nghệ, nghiên cứu Y khoa, áp dụng phương pháp chữa bệnh dựa trên bằng chứng dữ liệu thu thập từ công nghệ.
Sử dụng các phương pháp như dùng máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại để kiểm tra đánh giá và chẩn đoán.
Về điều trị bệnh:
– Y sĩ Y học Cổ truyền dùng hai phương pháp điều trị chính là phương pháp dùng thuốc và phương pháp không dùng thuốc. Trong phương pháp dùng thuốc thì sẽ kết hợp dược liệu từ tự nhiên, được bào chế theo từng công thức thuốc Y học Cổ truyền. Còn phương pháp không dùng thuốc là thực hiện điều trị thông qua châm cứu, bấm huyệt, massage… Từ đó góp phần điều trị bệnh lý toàn diện, xem xét trong ngữ cảnh lớn hơn một bộ phận của cơ thể.
– Y sĩ đa khoa: cung cấp phương pháp chữa bệnh kết hợp dược phẩm, phẫu thuật,..dựa trên nghiên cứu thông tin và dữ liệu; góp phần điều trị các bệnh lý trong từng giai đoạn khác nhau tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh.
Về trường hợp điều trị:
– Y học Cổ truyền: phù hợp với các bệnh nhân có bệnh lý tâm lý, nguyên gốc không rõ ràng hoặc các bệnh nhân có nguyện vọng điều trị bằng phương pháp tự nhiên truyền thống.
– Y sĩ đa khoa: phù hợp với các bệnh nhân có bệnh lý cần can thiệp nhanh chóng, chẩn đoán chính xác và với trường hợp bệnh nhân cần điều trị dựa trên bằng chứng, số liệu, nghiên cứu y học.
Về việc kê đơn thuốc:
– Y sĩ Y học Cổ truyền: Quy định về kê đơn thuốc Y học Cổ truyền như sau:
+ Viết tên thuốc tiếng Việt chính xác, rõ ràng, khi kê đơn thuốc thang ghi tên thường dùng, ghi rõ liều lượng, đơn vị tính, không viết tắt tên thuốc đối với các vị thuốc y học cổ truyền;
+ Chỉ định rõ liều dùng, cách dùng và đường dùng.
+ Đối với kê đơn thuốc thang, trong quá trình điều trị nội trú, nếu không thay đổi chỉ định điều trị và vẫn giữ nguyên bài thuốc đã được chỉ định ngay trước đó thì được phép kê lại bằng cách ghi “Bài thuốc hoặc đơn thuốc của ngày, tháng, năm” và chỉ được phép kê lại một lần;
+ Hướng dẫn cụ thể cách sắc thuốc, cách uống thuốc, thời gian uống thuốc;
+ Đối với thuốc thành phẩm y học cổ truyền do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự sản xuất thì ghi theo tên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt lưu hành nội bộ; Đối với thuốc được lưu hành toàn quốc thì ghi tên thuốc theo tên đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký;
+ Trường hợp người kê đơn vị thuốc y học cổ truyền cho người bệnh dùng quá liều thông thường so với quy trình chuyên môn của Bộ Y tế, phác đồ hướng dẫn điều trị hoặc sửa chữa bất kỳ nội dung nào phải ký xác nhận bên cạnh.
– Y sĩ đa khoa: yêu cầu chung khi kê đơn thuốc như sau:
+ Ghi đủ, rõ ràng và chính xác các Mục in trong Đơn thuốc hoặc trong Sổ khám bệnh hoặc Sổ Điều trị bệnh cần chữa trị dài ngày của người bệnh.
+ Ghi chính xác địa chỉ nơi người bệnh đang thường trú hoặc tạm trú: số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn, ấp, bản, xã, phường, thị trấn.
+ Đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi và ghi tên bố hoặc mẹ của trẻ.
+ Viết tên thuốc theo tên chung quốc tế (INN, generic) trừ trường hợp thuốc có nhiều hoạt chất. Trường hợp ghi thêm tên thuốc theo tên thương mại phải ghi tên thương mại trong ngoặc đơn sau tên chung quốc tế.
+ Ghi tên thuốc, nồng độ/hàm lượng, số lượng, liều dùng, đường dùng, thời Điểm dùng của mỗi loại thuốc.
+ Số lượng thuốc gây nghiện phải viết bằng chữ, chữ đầu viết hoa.
+ Số lượng thuốc: viết thêm số 0 phía trước nếu số lượng chỉ có một chữ số (nhỏ hơn 10).
+ Trường hợp sửa chữa đơn thì người kê đơn phải ký tên ngay bên cạnh nội dung sửa.
+ Gạch chéo phần giấy còn trống từ phía dưới nội dung kê đơn đến phía trên chữ ký của người kê đơn; ký, ghi (hoặc đóng dấu) họ tên người kê đơn.
Tóm lại, sự khác nhau giữa Y sĩ Y học Cổ truyền và Y sĩ đa khoa là từ sự khác nhau từ bản chất hai nền Y học. Trong đó, Y học hiện đại là nền Y học thực chứng, thực nghiệm hiện đại. Y học Cổ truyền dựa vào tri thức bản địa, kinh nghiệm dân gian, âm dương ngũ hành, thiên nhân hợp nhất. Hiện nay nhiều bệnh viện kết hợp Y học Cổ truyền và Y học hiện đại vào các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng để nâng cao chất lượng điều trị.