Phương pháp điều trị đau cổ vai gáy theo Y học Cổ truyền

Đau cổ vai gáy là nỗi phiền toái với nhiều người, ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sinh hoạt hàng ngày. Hãy cùng trường Cao đẳng Y Hà Nội tìm hiểu những bài thuốc điều trị đau cổ vai gáy bằng phương pháp Y học Cổ truyền thông qua bài viết dưới đây.

Triệu chứng thường gặp

Đau cổ vai gáy là tình trạng co cứng cơ cơ vùng gáy, gây đau nhức, hạn chế tầm vận động hoặc quay đầu. Triệu chứng đau đớn, khó chịu thường xuất hiện vào mỗi buổi sáng, có chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu khu vực này.

Triệu chứng đau mỏi vai gáy thường mang tính cơ học, điển hình phải kể đến gồm:

  • Hiện tượng đau tăng lên khi đứng, đi lại, ngồi lâu, vận động cột sống cổ, các triệu chứng đau sẽ tăng lên khi thay đổi thời tiết.
  • Các triệu chứng đau sẽ lan xuống cả bả vai, làm cho cánh tay, cẳng tay và ngón tay bị tê mỏi rất khó chịu, thậm chí chỉ cần sờ vào cũng có cảm giác như tê cứng bì, đây là biểu hiện tăng cảm giác. Khi bị đau quá mức, chỉ cần đi lại nhẹ nhàng cũng đủ gây ảnh hưởng, gây đau vùng cổ, vai, gáy.

Nguyên nhân

Bệnh đau cổ vai gáy hiện nay khá phổ biến, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thoái hóa, thoát vị đĩa đệm các đốt cột sống, tập luyện quá sức, hoạt động sai tư thế, tính chất công việc, mệt mỏi, căng thẳng, thiếu dinh dưỡng… Bệnh sẽ đau hơn khi tăng cường hoạt động của cơ thể và sẽ thuyên giảm khi cơ thể được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, theo Y học Cổ truyền, nguyên nhân do ba loại khí: phong hàn, thấp ở ngoài trời ảnh hưởng tới cơ thể sống vốn suy yếu mà gây nên bệnh. 

Điều trị đau cổ vai gáy bằng Y học Cổ truyền

Ngoài phương pháp điều trị đau cổ vai gáy bằng Y học hiện đại, phương pháp điều trị bằng Y học Cổ truyền cũng được nhiều người ưa chuộng bởi sự an toàn, lành tính và hiệu quả cao. Điều trị đau cổ vai gáy trong Y học Cổ truyền được điều trị thông qua cả phương pháp dùng thuốc và phương pháp không dùng thuốc.

Phương pháp không dùng thuốc điều trị đau cổ vai gáy chính là phương pháp châm cứu, xoa bóp bấm huyệt.

Châm cứu

Đây là phương pháp dùng kim tác động vào các huyệt vị giúp giãn cơ, giảm cảm giác đau mỏi, thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, đả thông kinh lạc bị ứ trệ giúp cơ thể thoải mái.

Các phương pháp châm cứu thường được sử dụng hiện nay là điện châm, thủy châm, hào câm, tỵ châm, nhĩ châm, túc châm, cấy chỉ…

Xoa bóp bấm huyệt

Xoa bóp bấm huyệt tác động trực tiếp lên da, cơ, mạch máu, giúp đả thông kinh mạch, lưu thông khí huyết, giảm đau nhức và đẩy lùi hàn phong thấp giúp cơ thể dễ chịu và thư giãn ngay sau khi trị liệu.

Bấm huyệt tại các huyệt đạo như mô phỏng tại hình ảnh, có công dụng đả thông kinh mạch lưu thông khí huyết, giúp giảm đau sâu tại các vùng cơ.

Sáu huyệt đặc trị đau cổ vai gáy cơ bản
Sáu huyệt đặc trị đau cổ vai gáy cơ bản

Tác dụng tới cổ vai gáy:

  Giảm đau nhức: Tại vị trí châm kim có biến đổi như tăng sản xuất chất nội sinh, tăng bạch cầu… Từ đó hình thành một cung phản xạ mới, phá vỡ phản xạ đau.

  Giãn nở mạch, giải phóng tắc nghẽn, kích thích tuần hoàn khí huyết.

  Thư giãn cơ, giảm co cứng cơ.

  Giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn nhờ giải phóng hormone hạnh phúc.

  Tăng cường chuyển hóa, nâng cao sức khỏe.

Phương pháp dùng thuốc điều trị đau cổ vai gáy trong Y học Cổ truyền

Có rất nhiều bài thuốc chữa đau cổ vai gáy theo tuỳ nguyên nhân, phải kể đến đó là:

Đau cổ vai gáy do lạnh (thể phong hàn)

Phương pháp điều trị: khu phong tán hàn, hành khí, hoạt huyết.

Nguyên liệu: Ma hoàng 8 gam, Quế chi 8 gam, Sinh khương 4 gam, Bạch chỉ 8 gam, Phòng phong 12 gam, Cam thảo 6 gam, Đại táo 12 gam.

Thực hiện: Các nguyên liệu đem sắc lấy nước uống ngày 1 thang.

Thể can thận hư (nguyên nhân do thoái hoá đốt sống cổ)

Phương pháp điều trị: trừ thấp, khu phong, bổ can thận.

Bài thuốc 1: quyên tý thang.

Nguyên liệu: Khương hoạt 8 gam, phòng phong 12 gam, xích thược 12 gam, nghệ vàng 12 gam, đương quy 12 gam, hoàng kỳ 12 gam.

Thực hiện: Rửa sạch các vị thuốc lấy 800ml nước sắc lấy 300ml thuốc. Lọc bỏ phần bã. Chia làm 3 phần nước uống hết trong ngày. Mỗi ngày chỉ uống 1 thang

Bài thuốc 2: bổ thận tráng cân

Nguyên liệu: Thục địa 16 gam, đương quy 12 gam, ngưu tất 12 gam, tục đoạn 12 gam, thanh bì 10 gam, ngũ gia bì 12 gam, sơn thù 8 gam, bạch linh 12 gam, đỗ trọng 10 gam.

Thực hiện: Rửa sạch các vị thuốc lấy 500ml nước sắc lấy 100ml thuốc. Lọc bỏ phần bã. Chia làm 3 phần nước uống hết trong ngày. Mỗi ngày chỉ uống 1 thang. Uống liên tục trong 20 ngày.

Thuốc đắp vai gáy

Bài thuốc 1: Ngải cứu và muối hột

Nguyên liệu: Ngải cứu 100 gam, muối hột 50 gam

Thực hiện: Ngải cứu rửa sạch, để ráo nước, rồi đem xào nóng với muối hột. Dùng khăn bông mềm bọc gọn lại rồi chườm lên vùng đau nhức. Hết 20 phút lại đem xào nóng và chườm thêm lần nữa. Thực hiện ngày 2 đến 3 lần giúp thư giãn và giảm đau hiệu quả.

Bài thuốc 2: Kết hợp lá lốt, cúc tần rượu trắng

Nguyên liệu: Lá lốt 1 nắm, cúc tần 1 nắm, rượu trắng

Thực hiện: Rửa sạch, đem 2 loại lá đi giã nhuyễn, Sau đó trộn với 1 ít rượu trắng. Xào nóng hỗn hợp lên. Dùng khăn bông mềm bọc tất cả lại để nguội bớt rồi đem đi chườm đắp lên vùng đau nhức. Thực hiện ngày 2 đến 3 lần, mỗi lần 30 phút.

Tác dụng: giảm đau, giảm co cứng cơ, kích thích lưu thông máu và cải thiện các triệu chứng đi kèm.

Có thể thấy, điều trị đau cổ vai gáy bằng Y học Cổ truyền an toàn và hiệu quả cao. Tuy nhiên, bệnh nhân cần đến những bệnh viện, phòng khám được cấp phép và làm đúng theo hướng dẫn, chỉ định của các bác sĩ.