Làm điều dưỡng ở nước ngoài khác với trong nước như thế nào?

Chắc không ai là không biết ngành Điều dưỡng là một nghề vô cùng vất vả, khó khăn, đặc biệt là điều dưỡng viên và sinh viên ngành này sẽ càng thấu hiểu hơn ai hết. Tuy nhiên, điều dưỡng viên ở nước ngoài có sự khác biệt gì so với Việt Nam không? Và tại sao các nước lại chào đón những sinh viên ngành Điều dưỡng Việt Nam đến vậy. Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.

Quan niệm về nghề Điều dưỡng ở khác nhau

Điều dưỡng viên tại Việt Nam

Theo như quan niệm trước đây thì Điều dưỡng ở Việt Nam được hiểu và gọi là Y tá, tức là người phụ tá của bác sĩ, chuyên phụ trách hỗ trợ các bác sĩ và đội ngũ y tế khác trong việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên hiện nay, Điều dưỡng được xem là nghề độc lập trong hệ thống y tế và có nhiều cấp bậc, trình độ.

Vậy nên công việc của điều dưỡng viên là đảm nhận các nhiệm vụ như lập kế hoạch chăm sóc, thực hiện quy trình chẩn đoán và điều trị, quản lý thuốc, giáo dục và cung cấp hướng dẫn cho bệnh nhân và gia đình. Điều dưỡng thường là người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân và có thể có quyền ra quyết định liên quan đến chăm sóc của bệnh nhân. Như vậy so với y tá thì điều dưỡng cần phải có trách nhiệm cao hơn bởi họ sẽ là người kết hợp các chuyên ngành khác nhau trong chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân.

Tuy ngành nghề này quan trọng trong hệ thống y tế nhưng tại Việt Nam thì Điều dưỡng viên lại chưa được coi trọng đúng mức so với thực tế những gì mà họ mang lại. Tình trạng thiếu hụt Điều dưỡng trong nước đang là trở nạn trong nhiều năm nay, thực tế một bác sĩ thì chỉ có 2 đến 3 điều dưỡng trong khi Tổ chức Y tế Thế Giới khuyết cáo nên là 4 điều dưỡng/ bác sĩ. Từ đó xảy ra tình trạng công việc điều dưỡng viên thường quá tải. 

Sự khác biệt đến từ quan niệm điều dưỡng ở các nước
Sự khác biệt đến từ quan niệm điều dưỡng ở các nước

Điều dưỡng viên tại nước ngoài

Điều dưỡng viên tại các nước phát triển như Đức, Nhật, Úc,….được nâng cao vai trò trong việc quản lý các cơ sở y tế, bệnh viện. Ở các nước phát triển, máy móc thiết bị tại bệnh viện hiện đại khiến cho việc chăm sóc bệnh nhân đỡ vất vả hơn. Điển hình như để nâng đỡ người bệnh thì điều dưỡng cần phải tốn rất nhiều sức lực nhưng khi có máy móc hỗ trợ thì công việc đó lại trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. 

Điều dưỡng viên ở nước ngoài có vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc y tế và có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và sự phục hồi của bệnh nhân. Họ có nhiều vai trò khác nhau, từ chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân đến tham gia vào quản lý và giám sát bệnh viện hoặc trung tâm chăm sóc dưỡng lão. Họ là người truyền đạt thông tin giữa bác sĩ và bệnh nhân cũng là người tư vấn trò chuyện giúp người bệnh vượt qua căng thẳng tâm lý. Như vậy, điều dưỡng ở nước ngoài còn cần phải có kỹ năng phân tích tình hình bệnh lý và tâm lý để giúp đỡ người bệnh hồi phục sức khỏe và nâng cao tinh thần nhằm rút ngắn những ngày ở trong viện.

Xem thêm: Những tố chất để học ngành Điều dưỡng Tại đây

Khác biệt giữa công việc hàng ngày 

Tính chất công việc

Tính chất công việc của điều dưỡng viên Việt Nam và nước ngoài không có sự khác nhau lắm. Những công việc hàng ngày của họ sẽ phải làm như: chích thuốc, kê đơn dược phẩm đơn giản, và thực hiện các quy trình như đặt ống thông tiểu, đặt ống dẫn tràn,…. Ngoài ra, họ còn sẽ phải làm những việc như: vệ sinh cá nhân, ăn uống, rèn luyện sức khỏe,… cho người già và người bị chấn thương. Nếu bệnh nhân có bệnh lý riêng thì phải theo dõi và làm các biện pháp phòng ngừa bệnh. 

Tuy nhiên, trong một số quốc gia, điều dưỡng viên có thể có quyền thực hiện các thủ tục y tế nhất định mà ở Việt Nam chỉ có bác sĩ mới được phép thực hiện đó chính là vai trò quản lý và lãnh đạo trong cơ sở chăm sóc y tế. Họ có thể tham gia vào việc quản lý nhóm điều dưỡng viên và có trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ chăm sóc. Ở Việt Nam, vai trò quản lý trong lĩnh vực điều dưỡng thường thuộc về bác sĩ chuyên khoa điều dưỡng hoặc Trưởng Điều dưỡng.

Thái độ làm việc

Đối với một số Điều dưỡng Việt Nam thường có thái độ làm việc không chỉnh chu và có thái độ không tốt với bệnh nhân khi được nhờ vả. Điều này một phần nguyên nhân là do công việc điều dưỡng quá vất vả và khối lượng công việc nhiều do sự thiếu hụt về nguồn lực Điều dưỡng trong nước. 

Tuy nhiên, khi điều dưỡng làm việc ở nước ngoài thì những quy định trong bệnh viện về thái độ của Điều dưỡng khá là khắt khe. Họ yêu cầu điều dưỡng cần phải có sự tôn trọng bệnh nhân của mình trong bất kì trường hợp nào. 

Kiến thức và trình độ văn hóa

Ở Việt Nam, để trở thành điều dưỡng viên, người học cần phải hoàn thành chương trình đào tạo cấp trung cấp trở lên trong lĩnh vực điều dưỡng. Trong khi đó, ở một số quốc gia phát triển, điều dưỡng viên thường cần có bằng cấp cao hơn, như Bằng Điều dưỡng hoặc thậm chí là Bằng Thạc sĩ Điều dưỡng. Chính vì vậy mà điều dưỡng được đào tạo ở nước ngoài sẽ có thể tự mình xử lý được các loại bệnh khác nhau trong khi Điều dưỡng Việt chỉ có thể xử lý dựa trên chỉ định hướng dẫn của bác sĩ. 

Chức năng của người điều dưỡng trong công việc chăm sóc sức khỏe
Điều dưỡng viên ở nước nào cũng đều có nhiệm vụ làm việc như nhau

Tại sao các nước lại chào đón sinh viên ngành Điều dưỡng Việt Nam?

Đào tạo chất lượng

Trước đây, chất lượng đào tạo điều dưỡng nếu đặt lên bàn cân so sánh với chất lượng đào tạo điều dưỡng ở nước ngoài thì có phần lép vế hơn. Tuy nhiên, ngày nay sinh viên ngành Điều dưỡng đến từ Việt Nam được đánh giá cao bởi các nhà tuyển dụng nước ngoài. Cho thấy chất lượng đào tạo Việt Nam đối với ngành Điều dưỡng đã có sự tiến bộ và ngày càng chú trọng hơn về việc đào tạo khả năng thực hành của sinh viên. Hệ thống giáo dục y tế tại Việt Nam đã có thể đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu quốc tế, đảm bảo kiến thức và kỹ năng chuyên môn cần thiết để trở thành điều dưỡng viên chất lượng.

Lực lượng lao động chất lượng

Lực lượng lao động ở Việt Nam trong ngành Điều dưỡng khác tin cậy. Những sinh viên ngành này được đào tạo với tư duy chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm và tinh thần trách nhiệm cao. Bên cạnh đó, yếu tố khiến cho các nhà tuyển dụng ưa chuộng học viên Điều dưỡng tại Việt Nam bởi họ có khả năng thích nghi nhanh với môi trường làm việc mới và có ý thức hoàn thiện bản thân. 

Sự thiếu hụt điều dưỡng viên

Có lẽ yếu tố quan trọng nhất mà Điều dưỡng viên trong nước lại được săn đón đó chính là sự thiếu hụt nhân lực điều dưỡng ở nước ngoài. Hiện nay đã có nhiều quốc gia phát triển xảy ra tình trạng già hóa dân số khiến cho họ phải đối mặt với sự thiếu hụt nhân lực trong ngành điều dưỡng. Vậy nên việc chào đón sinh viên ngành Điều dưỡng từ Việt Nam giúp điền đầy những khoảng trống trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ.

Đóng góp kinh tế

Hầu hết sinh viên ngành Điều dưỡng sang nước ngoài làm việc đều có xu hướng làm việc lâu dài tại nước ngoài. Nhiều người còn có định hướng sẵn là sẽ định luôn khi đã hoàn thành xong chương trình học. Những nhân lực này đóng góp vào nền kinh tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia đó, đồng thời tạo ra các cơ hội hợp tác và trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia khác.

Tính cách của Điều dưỡng viên Việt 

Bản chất người Việt Nam là những con người chăm chỉ, trung thực, cẩn thận, chu đáo, tốt bụng. Họ còn là người có nhận thức tốt, không ngại gian khổ. Đặc biệt, sinh viên yêu thích ngành Điều dưỡng đều có tấm lòng nhân hậu thích được chăm sóc giúp đỡ mọi người. Do ảnh hưởng truyền thống Phương Đông, nên người Việt còn là những người giàu tình cảm bởi được nuôi dạy từ nhỏ, sống chung nhiều thế hệ dưới một mái nhà. Từ đó tạo nên truyền thống người Việt luôn biết kính trên nhường dưới, kính trọng người già. 

Ngoài ra, sinh viên điều dưỡng còn được rèn luyện về thái độ làm việc và học tập ngay từ khi còn nhỏ. Vậy nên trong mắt người nước ngoài, người Việt là những người có thái độ làm việc tốt, biết tôn trọng, lễ phép và quan tâm chăm sóc bệnh nhân chu đáo.

Điều dưỡng viên Việt Nam được đào tạo bài bản
Điều dưỡng viên Việt Nam được đào tạo bài bản

Xem thêm: Những công việc mà sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng Điều dưỡng có thể làm Tại đây